Ngừng chia sẻ

Mỗi lần vào mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bài viết được “chia sẻ”. Đó là những bài viết của các “ông lang, bà lang” có kinh nghiệm chữa viêm loét dạ dày, gan, thận… Toàn những lời “vàng ngọc”, toàn những cam kết “không khỏi sẽ hoàn tiền”… Rồi không ít người viết bài ca ngợi bài thuốc của lương y này, bà lang khác ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Ninh… Thậm chí, bài viết “Cách chữa trị ung thư hiệu quả” được rất nhiều người chia sẻ, khiến không ít người tin vào những bài viết ấy mà không kiểm chứng, xác thực nguồn tin.

Không phủ nhận sự tiện ích của mạng xã hội, như facebook, khi cho phép người dùng miễn phí, dù người đó đang sinh sống ở đâu, miễn là có internet hoặc chiếc điện thoại thông minh phủ sóng 3G. Nhưng cũng chính vì dễ dàng sử dụng mà người ta lại dễ dàng chia sẻ thông tin, bài viết “của ai đó” mà bỏ qua việc kiểm chứng, cũng ít khi nghĩ rằng mình đã bị lợi dụng lòng tin.

Trước các thông tin về dịch bệnh, về các loại thuốc điều trị, thì việc kiểm chứng là vô cùng cần thiết. Chuyện những bài viết mang tính quảng cáo về lương y này khác có thể chữa “bách bệnh” và khẳng định chắc nịch chữa khỏi ung thư là một sự trục lợi niềm tin, lừa đảo người tiêu dùng thiếu hiểu biết.

Đáng ngại hơn, người bệnh thường có tâm lý “vái tứ phương”, nên không ít người sẵn sàng chuyển khoản tiền nong để rồi sau đó nhận được “gói thuốc” uống mãi không khỏi, thậm chí còn bị gây tác dụng phụ.

Xu hướng dùng mạng xã hội để quảng bá, trục lợi thông qua việc bán hàng giả, hàng kém chất lượng còn lan ra cả việc rao bán các loại sản phẩm hoặc dược liệu được cho rằng có tác dụng chữa ung thư như: trinh nữ hoàng cung, xạ đen, nấm lim, xáo tam phân, mật cóc, lá đu đủ, mãng cầu xiêm, an xoa, cây bìm bịp mọc đầy núi đồi... Mà không chỉ ở lĩnh vực dược liệu, hàng giả, hàng nhái, thậm chí cả sách giả, sách nhái cũng đang được rao bán công khai trên mạng xã hội. Nhiều người chia sẻ thông tin cho bạn bè, người thân mà không hay rằng mình đã bị “mắc bẫy”.

Nút “share” (chia sẻ) trên facebook rất thuận tiện. Nhưng trước khi chia sẻ hãy cẩn trọng, để tránh tiếp tay cho những sai trái, tiếp tay cho những kẻ lừa đảo, trục lợi cộng đồng…

Chia sẻ những điều mình biết, mình hiểu, những thông tin chính xác khi tham gia mạng xã hội là điều cần khuyến khích. Nhưng thận trọng, ngừng chia sẻ cũng là trách nhiệm của người dùng mạng xã hội, khi ta chưa thật sự hiểu, chưa kiểm chứng được nguồn tin.