Ngộ độc vì... cỗ cưới

Đi ăn cỗ, nhất là cỗ cưới, những tưởng vui, hóa ra lại đối mặt với chuyện buồn. Không muốn nhắc lại câu chuyện những chiếc “xe điên” tông thẳng vào rạp đám cưới dựng nơi lòng lề đường gây ra tai nạn thương tâm, làm hệ lụy nhiều người.

Ở đây, hôm nay, chỉ muốn nhắc tới những mâm cỗ được bày biện đẹp mắt, với những món thịnh soạn nhưng hóa ra lại tiềm ẩn sự mất an toàn, gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đáng cảnh báo.

Chuyện xảy ra mới rồi là tại hai huyện Krông Búk và Buôn Đôn của tỉnh Đác Lắc, hơn 260 người đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn cỗ đám cưới. Trưa ngày 13-7, gia đình bà Trần Thị Minh Thúy (ngụ thôn 4, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đã tổ chức đám cưới và có tổng cộng 640 người đến dự. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, nhiều người đã có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt phải nhập viện cấp cứu.

Cũng tổ chức tiệc cưới vào trưa ngày 13-7, gia đình ông Lý Chiến Thắng (ngụ thôn An Bình, xã Chư K’Pô, huyện Krông Búk) tổ chức đám cưới với hơn 1.000 khách dự. Đến đêm cùng ngày, nhiều thực khách sau khi dự tiệc cưới đã có biểu hiện ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị.

Điều đáng quan ngại, những mâm cỗ cưới này đều không phải do gia chủ tự chế biến mà do các nơi làm dịch vụ tiệc cưới đảm nhận. Cụ thể, đám cưới nhà bà Thúy do dịch vụ Gia chánh Văn On (tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar) phục vụ. Còn bữa cỗ cưới tại nhà ông Thắng do cơ sở tiệc cưới Gia chánh Diệu Phú (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’Gar) phục vụ.

Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc thực phẩm bẩn xuất hiện ở khắp nơi, len lỏi cả vào những bữa cỗ cưới tại vùng nông thôn, miền núi sâu xa, vào những cơ sở nấu ăn chuyên nghiệp…, gây hoang mang cho không chỉ gia chủ mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều người rõ ràng rất cần có sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương. Không chỉ tập trung ở các thành phố, đô thị đông người; cũng không nên chỉ tập trung vào thành từng đợt, từng “tháng cao điểm”, mà cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Nhất là gần đây, khi bệnh dịch hoành hành khiến gia súc bị chết ở nhiều tỉnh, thành phố, thì việc tiêu hủy, ngăn chặn những kẻ bất lương cố tình bán lợn chết, kiểm soát chất lượng thịt lợn sạch trong các bữa cỗ có đông người tham dự cần được tiến hành triệt để, khoa học.

Đừng để đi ăn cỗ trở thành nỗi ám ảnh nhập viện của nhiều người…