Ngăn chặn thói quen xấu!

Nhà nọ xây mới, để bụi bặm bay cả sang các nhà chung quanh. Nhà kia phá dỡ, tiếng vật liệu, rơi đổ ồn ào, rầm rầm cả khi giữa trưa, thậm chí có khi máy xúc, máy cẩu còn ầm ì cả đến đêm hôm. Rồi nguyên vật liệu tập kết bề bộn. Rồi rạp đám cưới dựng lên, trước còn chừa cho người ta một lối đi bé xíu, nay có khi chặn luôn đường khu tập thể.

Có những nhà lười không chịu gửi, đỗ xe chềnh ềnh trên lối đi chung, bao nhiêu xe khác hay nhà khác muốn qua lại, cứ phải bấm còi, phải gọi, phải gắt gỏng. Không ít nhà phẩy chổi tống rác xuống hè, hay để túi rác bừa ra hè trước cửa, vốn chẳng phải là diện tích riêng của nhà họ. Lại có những cửa hàng mua sắm, gội đầu, quán ăn… khách khứa vào ra, dựng xe chiếm luôn một phần đường, mặc kệ gây ùn tắc. Lại cả những nhà mở nhạc quá khuya, hàng quán karaoke mở quá muộn, nhân viên, khách khứa lượn lờ, đứng ngồi, ăn nói bừa bãi, huyên náo cả góc phố. Rồi chuyện trông nom chó mèo không cẩn thận, mặc kệ chúng làm bẩn đường đi chung, cửa nhà hàng xóm… Đáng bực mình là khi nhận được sự phàn nàn, góp ý, không ít tác giả không thể chối cãi của những hiện tượng trên, đã không nhận lỗi, rút kinh nghiệm, lại còn to tiếng tranh luận, cãi lộn, biểu thị thái độ bất cần, thậm chí… đe dọa.

Đó là những gì còn tồn tại trong cách nghĩ, cách làm, cách ứng xử còn tùy tiện, ích kỷ, vô tâm, ngang ngược của một bộ phận người dân. Và ứng xử, xử lý những hiện tượng, hành vi đó, người dân sở tại thường hướng tới sự hài hòa, giữ gìn hòa khí, mong đợi sự tự ý thức, tự rút kinh nghiệm hơn là những hình thức buộc phải trừng phạt, răn đe của cơ quan chức năng căn cứ vào pháp luật.

Nhưng cơ chừng, không phải khi nào trong đời sống chung, những nguyên tắc mang tính quy ước cộng đồng, quy ước truyền thống cũng được tôn trọng. Không phải khi nào lợi ích, quyền lợi phổ biến và quen thuộc của cả cộng đồng cư dân địa bàn, cơ sở cũng được tính đến khi mà một số gia đình, cá nhân nào đó nảy sinh việc riêng cần giải quyết, hoặc sẵn lối sống bất cần, lối cư xử “đầu bò đầu bướu”. Vậy nên, cần có những chế định của cộng đồng dân cư, có sự tham góp, định hướng, đồng thuận, thông qua của chính quyền sở tại, cơ quan chức năng địa phương, nhằm áp dụng vào đời sống để người dân tuân thủ, làm theo, tôn trọng. Xa xưa, người làng có hương ước. Nay, người khu phố, khu chung cư, đô thị mới, khu dân cư mới…, rất cần được có, hoặc được vận động, thuyết phục để cần có những quy định chung nhằm giữ gìn sự ổn định, tôn trọng đối với đời sống của chính họ.

Đừng quên rằng, giúp dân, hợp tác với người dân giải quyết những việc tồn đọng phổ biến như trên là quan trọng không kém. Đó chính là những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng sống của xã hội nói chung đồng thời cũng là điều từng bước giúp nâng cao uy tín cũng như hiệu quả, hiệu lực của cán bộ, chính quyền cơ sở.