Mớ rau, con cá...

Như đã thành “lệ”, đấy là khi người lao động đón lương tăng, thu nhập tăng, thì ngoài xã hội, giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ cũng có xu hướng… nhích lên. Và người lao động, trong tư cách là phần lớn người tiêu dùng, khách hàng tham gia vào các hoạt động chi tiêu, mua sắm, nguy cơ sẽ phải đón nhận, gồng gánh cả.

Giá tăng ít thôi so thu nhập, thì dễ thở. “Rủi” cái nào vọt lên quá đáng thì cũng toát mồ hôi ra, bởi nhiều thứ là nhu yếu phẩm thì “chạy đâu cho khỏi nắng”! Mà giá cả nhiều thứ bây giờ, nhìn chung, đều có thể thấy là cao, là quá so mức lương khiêm tốn của người lao động phổ thông.

Nào thuê trọ, cách tính tiền điện, tiền nước, nào lo gạo, dầu, rau quả, nào xăng xe, nào mảnh quần tấm áo, lại còn điện thoại, đồ gia dụng để lo việc sinh hoạt tối thiểu như nấu cơm, đun nước, xem tivi… Toàn những thứ “mớ rau, con cá” vậy thôi, mà vây quanh người lao động đến chóng mặt. Lại tiền học phí con cái, thuốc men, viện phí khi nhà có người đau ốm. Rồi những khoản ma chay, cưới hỏi, thăm nom… Với không ít công nhân lao động, lo những việc thiết yếu như thế, cũng đã mệt phờ sau những quãng thời gian làm việc vất vả ở khu công nghiệp, khu chế xuất, tại doanh nghiệp…, quả thật hiếm hoi có dịp mơ tưởng đến những điều kiện vật chất, tinh thần nào đó khác cao xa hơn.

Mối tương quan lương, thu nhập - giá cả hàng hóa, dịch vụ xã hội… của người lao động trong sự tác động qua lại với không gian sống, với cộng đồng dân cư nơi cư trú, làm việc, cần nhiều lắm sự thâm nhập của giới chuyên môn xã hội học, giới quản lý về mọi vấn đề: dinh dưỡng, sức khỏe, y tế, môi trường, văn hóa, giải trí… Từ đó để nghiên cứu, nhận diện những nhu cầu sống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, hưởng thụ văn hóa của người lao động một cách đầy đủ, toàn diện hơn. Thậm chí cả nhu cầu được hưởng nhịp độ lao động phù hợp, bảo vệ được sức khỏe một cách lâu bền. Đấy cũng là cơ sở quan trọng để tác động vào cách nghiên cứu, tính toán mức lương, thu nhập phù hợp. Cũng như rộng hơn, kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường bảo đảm đáp ứng nhu cầu đông đảo khách hàng là “người lao động bình dân” trong xã hội.

Chứ lâu dài, vẫn phải lo quanh những chuyện mớ rau, con cá… thì lại càng đáng lo, với tư cách, tư thế người lao động trong xã hội đang tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.