Mất uy tín là sợ ngay!

Từ cuối năm 2018 đến giữa tháng 9 năm nay, đã có gần 80 nghìn trường hợp lái xe “được” lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý do vi phạm quy định về nồng độ cồn, hơn 200 trường hợp kiểm tra có dương tính với ma túy.

Có nhận xét đó là còn ít so thực tế, còn là tỷ lệ kiểm tra thấp so lượng người - xe di chuyển. Cũng đúng, bởi đông thì vô vàn! Mà lực lượng chức năng hoặc làm theo đợt, hoặc qua quan sát thấy có dấu hiệu vi phạm, khả nghi thì dừng, kiểm tra. Chưa kể còn có những lái xe tránh né, lần lữa, kéo dài thời gian, không hợp tác, không chấp hành…

Đã vậy, lại càng phải làm chặt, nhất là với những trường hợp vi phạm và bất hợp tác trên. Thế thì làm thế nào để kiểm tra, giám sát được thường xuyên, liên tục, rộng khắp - để mà còn phát hiện, xử lý kịp thời, vừa giảm thiểu nguy cơ tai nạn, vừa nâng cao tính răn đe? Ước mơ lý tưởng này quả không dễ, khi mỗi ngày, xe cộ ùn ùn ra đường, lao vun vút trên đường, đông chật không kể xiết!

Nên chăng tìm thêm những cách kiểm tra từ trước, từ đầu với những người lái xe. Và kiểm tra thường xuyên để phòng trừ, phát hiện sớm, chống nguy cơ say xỉn, nghiện ngập trong đội ngũ lái xe. Thí dụ như kiểm tra luôn cả… người khi đưa xe đi đăng kiểm. Xe quá hạn sử dụng, chất lượng kém thì không được lưu thông, vậy thì người nếu không bảo đảm về sức khỏe tâm thần, bị ảnh hưởng của chất kích thích, chất gây nghiện… thì đương nhiên cũng phải “cấm túc”.

Và có khi, ngoài những giải pháp tăng nặng hình thức xử phạt, rồi phạt cả đơn vị có lái xe vi phạm, thì nên thử cung cấp công khai đến các bến xe, phát lên phương tiện thông tin đại chúng, lên trang web, mạng xã hội của cơ quan chức năng ngành giao thông, ngành công an về những trường hợp vi phạm. Đặc biệt là tên các nhà xe có lái xe vi phạm với tên tuổi, trường hợp, chứng cứ cụ thể. Cách làm này, có lẽ sẽ khiến nhà xe sợ phát khiếp mà tự chấn chỉnh lái xe, chấn chỉnh mình. Bởi hành khách nếu biết những nhà xe đó có lái xe hoặc say, hoặc nghiện, hoặc gây tai nạn... như thế, thì cũng hãi, không thể “giao” thân mình lên cái xe đó, cho lái xe đó được. Và thất thu sẽ là “ác mộng” với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chở hàng, chở khách.

Và nữa, phát huy vai trò, tiếng nói của các hiệp hội vận tải, hội nghề nghiệp của những người lái xe trong việc hợp tác với cơ quan chức năng phòng, chống vi phạm. Các tổ chức này như những cầu nối “trong nhà ra đường”, đơn vị kinh doanh, vận tải, người lái xe với chính quyền, cơ quan chức năng, xã hội. Rất nên tranh thủ, phát huy khả năng vận động, tuyên truyền một cách nhân văn, có lý có tình của họ.