Lựa chọn kiến trúc phù hợp

Quy định xây dựng nhà ở riêng lẻ khu vực nông thôn từ bảy tầng trở lên phải xin phép bắt đầu đi vào thực tế.

Nhưng việc để ý “trông nom” những ngôi nhà cao tầng cũng đang gợi những điều đáng băn khoăn. Thế cũng có nghĩa là nhà xây riêng lẻ dưới bảy tầng thì không phải xin phép và hoạt động xây dựng trên đà phát triển đô thị hóa nông thôn chóng mặt như hiện nay, sẽ càng có khả năng sôi nổi, cấp tập.

Bà con ta ở nông thôn những năm qua xây nhà nhiều, kiên cố, quy mô. Mừng với điều kiện, mức sống nâng lên, hạ tầng bền vững hơn, giải quyết tốt hơn nhu cầu ở, nhất là với các gia đình đông con, cháu, quỹ đất có hạn, làm nhà ở không dàn ra được thì đành phải… vươn lên cao.

Nhưng cũng lấy làm e ngại về một trật tự xây dựng vốn còn nhiều hạn chế trong giám sát, xử lý, nay sẽ càng khó khăn hơn. Bởi thí dụ, xây thấp hơn bảy tầng, thì ở mức sáu, năm tầng, các nhà cũng đã rất cao, cộng với mật độ xây dựng dày đặc hơn, đặc biệt là thoải mái hơn trong không gian nông thôn đang tiếp tục thu hẹp, thì mức độ bê-tông hóa các làng thôn sẽ rất cao. Và xu hướng đô thị hóa nông thôn theo kiểu tự phát sẽ rất nhanh.

Rõ ràng trong hoàn cảnh chật hẹp về không gian sinh hoạt, khó lòng “muốn” bà con cứ giữ mãi nếp nhà xưa, mảnh vườn cũ, ao cá, sân rộng... Nhưng nếu thiếu hoặc không có định hướng, gợi ý, giám sát chặt về chiều cao, hình thức, mầu sắc... thì cảnh quan nông thôn, không gian đậm nét truyền thống, bản sắc dân tộc sẽ càng chóng “mòn”, nhanh “vỡ”. Thậm chí càng “mòn, vỡ” nhanh hơn nữa trên đà mai một hiện nay. Khi cái nét riêng độc đáo, nhân văn trong đời sống bà con, nhìn từ góc độ không gian, môi trường sống giảm sút đi thì nội dung, chất lượng đời sống mới phải chăng sẽ có gì thiêu thiếu, lệch lệch?

Thế nên, những việc liên quan sát sườn đến những ngôi nhà cao tầng sẽ cao hơn, to hơn và chắc hẳn sẽ bóng bẩy, rực rỡ, có khi sặc sỡ, diêm dúa, có quan hệ đến vai trò chính quyền cơ sở nhiều lắm! Bám sát hay thả nổi, chặt chẽ hay lỏng lẻo, định hướng và tư vấn đến đâu, “căn chỉnh” cho hài hòa giữa xây dựng bề thế với giữ gìn không gian văn hóa làng quê ta... Đó quả là nhiều bài toán cho các nhà quản lý cơ sở, đòi hỏi những chuẩn bị về cơ chế, phương thức, chuyên môn... vì cuộc sống tiện nghi và nhân văn của bà con trong tình hình mới.