Lơ là chuyện quan trọng

Với doanh nghiệp (DN), việc ngày càng hệ trọng là bảo vệ thương hiệu ở bất kỳ thị trường nào mà DN đã hoặc đang muốn xuất khẩu (XK) hàng hóa. Để bảo vệ, thì rất cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, thương hiệu nói riêng. Việc này sẽ giúp DN an toàn khi tiếp cận thị trường, tránh được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm bảo vệ thương hiệu và thị phần của mình.

Từng có hiện tượng DN Việt Nam bị chính các đối tác của mình tại Mỹ sử dụng trái phép thương hiệu và đăng ký trước với Cục Sáng chế và bảo vệ thương hiệu Mỹ (USPTO). Việc khiếu kiện tốn rất nhiều thời gian, tiền của mà vẫn không lấy lại được thương hiệu. Thậm chí phải trả một số tiền lớn cho bên sử dụng trái phép để mua lại thương hiệu của chính… DN mình.

Số liệu từ USPTO cho thấy, Việt Nam hiện mới có 1.938 thương hiệu được đăng ký với USPTO, trong đó chỉ 1.090 thương hiệu đang trong tình trạng tồn tại. Trong khi đó, một số nền kinh tế xếp sau Việt Nam về kim ngạch XK vào Mỹ lại có số lượng thương hiệu đăng ký lớn hơn nhiều lần, thí dụ Đài Loan (Trung Quốc) có 33.820 thương hiệu được đăng ký, Singapore là 10.811; Malaysia: 2.690.

Phải kể thêm hạn chế lớn của nhiều DN Việt Nam. Đó là chưa thể XK sản phẩm qua kênh truyền thống hoặc kênh thương mại điện tử (TMĐT) bằng chính thương hiệu của mình. Thậm chí, DN còn gặp rủi ro lớn khi không bảo hộ nhãn hiệu của mình ở thị trường XK.

Việc XK trên nền tảng TMĐT rất khác biệt các hình thức XK truyền thống. Đây chính là thách thức với các DN Việt Nam. Dù đã được cảnh báo nhiều nhưng hầu như việc XK của các DN hiện nay thường sử dụng hình thức OBM, ODM, tức là sản xuất dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu, giá trị để lại cho DN khá thấp. Một thí dụ, nhiều ý kiến lo lắng cho việc sản phẩm nước sữa dừa của Việt Nam bán trên Amazon lại có giá khá đắt so giá gốc đang bán tại thị trường trong nước.

Các chuyên gia nhiều lần khuyến cáo: các DN Việt Nam cần chú trọng phát triển thương hiệu cũng như đăng ký bảo vệ bản quyền, bằng sáng chế, nhãn hiệu thương mại và kiểu dáng công nghiệp của DN tại các quốc gia mà DN bán hàng. Muốn tránh phiền phức khi bảo vệ nhãn hiệu thương mại ở các thị trường XK lớn như Mỹ hay châu Âu, DN XK cần chuẩn bị chu đáo để lường trước mọi vấn đề.

Vậy mà, sự lơ là trước những điều kiện quan trọng này vẫn là căn bệnh cố hữu của nhiều DN Việt Nam khi gia nhập thị trường thế giới. Và kết quả tất yếu là đã không ít DN cay đắng nhận thua thiệt!