Lấp lỗ hổng trong việc chăm sóc trẻ

Giữa hàng loạt thông tin gây rúng động dư luận những ngày qua về thảm án, tai nạn, sai phạm, sự cố, vụ việc quên cháu bé mới ba tuổi suốt bảy tiếng, xảy ra ở một cơ sở trông trẻ tại Tiên Du, Bắc Ninh lại tiếp tục khiến nhiều người tức giận. Sự việc được phát hiện và cháu bé đã được cấp cứu, hiện đang được chăm sóc.

Sau vụ bỏ quên bé lớp 1 trên xe ở Thủ đô với hậu quả nghiêm trọng mới đây, ngành giáo dục và thành phố Hà Nội đã có ngay những chỉ đạo chấn chỉnh công tác đưa đón học sinh. Trong đó có nhắc đến các yếu tố quy trình, kỹ năng, nghiệp vụ…

Thực tế, khi chưa kịp có những thông tin, tài liệu cần được trang bị liên quan đến công tác trên, thì việc đau lòng xảy ra ở Hà Nội đã cảnh báo các đơn vị và cá nhân tham gia dạy dỗ, trông nom, chăm sóc trẻ: nhìn người mà rút kinh nghiệm cho mình - việc đó hoàn toàn không thừa; tự nhìn lại mình để thấy còn gì chưa ổn để mà chỉnh sửa - việc này luôn cần thiết và liên tục.

Nhưng hình như việc rút kinh nghiệm, tự chấn chỉnh đối với không ít người, chỉ là thoáng qua, rồi để đấy? Hoặc khi chưa trực tiếp liên quan đến mình thì còn bình chân? Thậm chí, với một số cơ quan chức năng, khi đưa ra những cảnh báo và yêu cầu chấn chỉnh, thì sau đó, thực tế việc chấn chỉnh đó, không hiểu có được giám sát, kiểm tra sát sao, để công bố với ngành, với xã hội, và có ngay những hành động sửa chữa?

Có lẽ, cần cuộc rà soát sâu rộng tại các cơ sở giáo dục cả công và tư để phát hiện những bất cập không chỉ trong việc đưa đón các cháu. Bởi thời gian qua, nhiều trường hợp trông nom, chăm sóc, quản lý không tốt đã dẫn tới không ít hệ lụy với học sinh, nhất là các cháu nhỏ. Để có hiệu quả thực, cần phải bổ khuyết những điểm còn hổng, còn thiếu. Chứ rõ ràng không thể hô hào, yêu cầu chấn chỉnh là thực trạng sẽ tự sắp xếp vừa khít như xếp hình được.

Cần phải bổ sung vào công tác đào tạo chuyên ngành, tập huấn phổ cập và nâng cao dành cho các thầy, cô giáo, cán bộ nhân viên, người lao động ở mỗi cơ sở giáo dục chung quanh việc dạy dỗ, trông nom, chăm sóc học sinh. Cũng giống như ở ta đang thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ giúp việc gia đình, chăm sóc người già, chăm sóc bệnh nhân… do công tác đào tạo chưa được chú trọng, mặc dù xã hội đã phát triển nhu cầu.

Quanh một em nhỏ, đang còn nhiều lỗ hổng của người lớn cần được lấp đầy.