Làm gì phục hồi chất lượng sống?

ưa, nhưng cũng chưa quá xa hiện tại, khu phố Nhuệ Giang ở Hà Đông (Hà Nội) được coi là đẹp nhất thị xã (hồi chưa sáp nhập Hà Nội - Hà Tây trước kia), bởi có dòng sông xanh mát chảy trôi. Xưa hơn nữa, bên sông Tô Lịch (Hà Nội) là đường Láng và bên kia là một số làng cũ chuyển mình lên phố, vẫn thoáng đãng và không khí được góp thêm sự thanh sạch hơn nhờ những hàng cây, mặt nước.

Nhưng lâu nay, những nơi đó không còn là không gian sống lý tưởng nữa bởi sự ô nhiễm nặng nề của sông. Người dân ăn uống, ngủ nghỉ, lao động, mở hàng, bán quán… lẫn trong mùi sông ấy.

Đó là thí dụ cho sự suy giảm chất lượng không gian sống. Còn nhiều dòng sông bẩn khác làm khổ người dân trong phố, ngoài làng. Có những bãi rác lớn, những điểm tập kết rác phát sinh, mở rộng bên cạnh khu dân cư, ngay rìa thôn xóm, nắng càng bốc mùi, mưa càng đưa chất bẩn ngấm vào vườn ruộng. Có những khu tập thể của nhà máy, xí nghiệp, mấy chục năm trước khang trang, bề thế, nay ọp ẹp, rạn nứt, bong lở…, gây nguy cơ mất an toàn. Thêm những khu khai thác, sản xuất, vật liệu xây dựng hay chế biến thực phẩm, hàng gia dụng… gần nơi ở, đe dọa cuộc sống người dân đô thị hoặc nông thôn bằng việc nổ mìn, tiếng ồn, khói, bụi, nước thải xả ra không qua xử lý, đặc biệt là khi những chất độc hại bị rò rỉ, phát tán, thiếu kiểm soát…

Những nguyên cớ, tác động đó làm kém đi, chậm lại, kéo lùi sự phát triển của cả một tập thể, cộng đồng dân cư, trong xu thế chung đi lên của cuộc sống. Nhưng cả một tập thể, cả một cộng đồng ấy, đâu dễ mà điều chuyển, di dời. Vấn đề là phải tập trung vào giải quyết cái thực trạng chất lượng sống giảm sút, cái lý do gây ra muôn nỗi “khó ở” đó.

Kéo dài quá lâu việc xử lý, không xử lý hay xử lý mãi không xong, để phải nén lòng chịu đựng, hay mãi kêu ca, than vãn về nỗi khổ sở tại nơi ở, quả là đáng buồn! Nhìn đi nhìn lại, một chặng đời người, có phải là quá dài đâu. Qua mười năm đã tính như một thế hệ mới. Mười mấy năm đã “gói lại” một tuổi thơ, mười mấy năm, đã… hết thanh xuân. Chỉ ít năm sau nghỉ hưu, nhiều người đã già yếu. Vậy mà cứ phải chung sống với mùi hôi, với ô nhiễm, với nguy cơ độc hại, với mất an toàn như thế cả một phần đời, thì thật không đành lòng để chịu như thế, nhìn thấy như thế.

Vậy mà đó vẫn là thực tế. Liệu việc giải quyết những suy giảm và bất ổn cuộc sống đó đã được coi là mục tiêu hàng đầu trong công tác của chính quyền và cơ quan chức năng mỗi địa phương, từ cấp tỉnh, thành phố cho đến từng phường, xã mỗi năm, mỗi nhiệm kỳ?