Không quên việc cần kíp

Thật ra, trong bộn bề những công việc lớn của đất nước, các vùng miền, địa phương, việc nào vẫn phải ra việc ấy. Nghĩa là theo từng trách nhiệm, nhiệm vụ, từng lĩnh vực, các bộ máy, lực lượng, vẫn cần phải vận hành, hoàn thành, nhằm phục vụ mục tiêu, phục vụ đời sống, tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội.

Vì thế, trong bối cảnh thiên tai hoành hành và vẫn tiếp tục đe dọa dải đất miền trung, thì cùng với các công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả, hỗ trợ đồng bào đã chịu nhiều tổn thất, mất mát, trong xã hội nhiều công việc khác vẫn phải diễn ra, trôi chảy và đạt hiệu quả. 

Một trong những việc hệ trọng đang được xã hội quan tâm và rất cần tăng lên mức độ giám sát, đó là việc sửa chữa các nội dung không và chưa phù hợp trong sách giáo khoa Cánh Diều lớp 1. Rộng hơn, không chỉ riêng bộ sách này, mà nhìn chung trong một số bộ sách được lựa chọn đưa vào dùng cho các học sinh mới đến trường, cũng cần thiết phải có việc rà soát, đánh giá lại và sửa chữa những nội dung cần thiết. Thậm chí, không chỉ sửa lỗi tiểu tiết, mà phải xem lại cả tiến trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách. 

Có điều, cần đi xa, sâu và kỹ hơn nữa, trong việc sửa chữa, điều chỉnh sao cho phù hợp đối tượng chính tiếp nhận, sử dụng sách, chính là các cháu học sinh bỡ ngỡ bước vào trường học. Rất cần khảo sát, hỏi, tham vấn ngay và rộng rãi, chính ngay từ các học sinh, từ các thầy, cô giáo đang tiếp nhận những cuốn sách này, cùng các phụ huynh đang ngày đêm tỏ ra vất vả với con em khi phải gánh trách nhiệm hướng dẫn thêm cho các cháu khi làm bài tập, ôn luyện ở nhà. 

Dư luận xã hội bước đầu cho thấy, đã có các bậc phụ huynh tỏ ra mệt mỏi cùng con em khi “đánh vật” với những cuốn sách, bài tập về nhà. “Ẩn khuất” hơn nữa, có cả phán đoán cho rằng, có sự không minh bạch trong công tác chọn lựa, phê duyệt sách học cho các cháu, từ nội dung những cuốn sách vốn đang bị nhiều nơi trong xã hội “phàn nàn”, cho đến việc quyết định đưa sách vào sử dụng trong các trường ở phạm vi địa phương. Và lại sâu xa nữa, là cả câu chuyện đáng băn khoăn về sự tận tâm, trách nhiệm, về trình độ, năng lực của những con người trực tiếp biên soạn, viết những nội dung các trang sách đã và đang trở nên bài học đầu đời cho con trẻ… Thật nhiều những điều cần phải lý giải chứ không chỉ yêu cầu xem lại, điều chỉnh sách cho các cháu một cách đơn thuần. 

Trả lời thẳng và quyết liệt vào những vấn đề như trên, chính là việc cần kíp hiện nay, khi mà năm học mới của các học sinh không thể dừng mà vẫn cứ phải tiếp tục. Và đó là một trong những việc cần kíp hiện nay, vì các em, chứ cũng không phải vì ngành giáo dục hay vì những ai đó soạn ra những cuốn sách đang bị “kêu ca”.