Không nên coi thường

Những ngày này, khắp nơi lại rôm rả thông tin đời sống sau thời gian thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, mọi công việc đời sống trên đà trở lại nhịp bình thường.

Các lĩnh vực, ngành nghề, thành phần, người dân tiếp tục công tác, công việc như trước, tiếp tục với guồng quay hối hả hơn để bù lại quãng thời gian rất nhiều thứ bị chùng lại, trong khi việc phòng dịch vẫn được chú trọng. Thậm chí mới đây nhất, trước những thành quả chống dịch ở Việt Nam, quốc tế cũng vẫn khuyến cáo với chúng ta, trong khuyến cáo chung với nhiều nước khác, về việc nâng cao, tích cực đề phòng làn sóng mới của dịch bệnh.

Rõ ràng, tình hình chưa hẳn đã yên, vấn đề vẫn còn hệ trọng. Vậy mà sao cái tâm lý coi thường, nghĩ đơn giản đã sớm trở lại trong không ít người đến thế! Vào thang máy, dù người ta vẫn treo bình nước rửa tay sát khuẩn đấy, vẫn nguyên lời nhắc mọi người đeo khẩu trang, không nói chuyện…, vậy mà có những người làm… ngược lại. Rồi bệnh viện, đã thấy nhiều người vô tư bỏ khẩu trang khi ra vào, sinh hoạt trong không gian đặc biệt nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh này (trong khi rất nhiều tấm biển, áp-phích yêu cầu tất cả mọi người vào viện phải đeo khẩu trang, rửa tay xà-phòng, dung dịch sát khuẩn vẫn được đặt, dán ở ngay cổng, lối ra vào bệnh viện). Rồi còn ăn uống quán xá, cà-phê vỉa hè đã đông đúc lên, ngồi gần nhau chả phòng bị gì. Những cảnh tượng này đã được nhắc nhiều những ngày qua rồi! Rất lo hơn nữa là một số điểm chợ, hàng hóa, người bán, người mua khắp nơi tụ về, lại nhiều gia cầm, thịt gia súc nhưng đã nhiều người không đeo khẩu trang, chuyện trò rôm rả, ồn ã. Giờ cũng đã thấy nhiều cháu học sinh tan học không về ngay mà túm tụm ngoài cổng trường nói chuyện, mua quà vặt ăn, uống rôm rả, quên cả đeo khẩu trang như nhà trường đã hướng dẫn...

Nói là sống chung với dịch không có nghĩa là “mặc kệ dịch”, hai mấy ngày rồi không thấy người mắc mới thì không sao đâu. Mỗi người cần phải tự xác định tâm thế vừa tiếp tục làm ăn, sản xuất, lao động, học tập, vừa song hành phòng, tránh để không bùng phát dịch trở lại, hạn chế thấp nhất khả năng len lỏi, “đánh úp” của “nó”. Dịch bệnh mối đe dọa lâu dài, đâu phải xây dựng, bồi đắp, lắp ráp một công trình, bộ phận nào đó xong là xong đâu! Rồi nhiều điểm du lịch, nhiều nơi thường tụ họp đông người đã, đang rục rịch mở cửa. Biết là nhiều cơ quan quản lý, điều hành sẽ lưu tâm khuyến cáo phòng, chống dịch. Nhưng khách khứa khắp nơi thì vô cùng lắm, sẽ đông dần lên, nếu không được nhắc nhở, yêu cầu liên tục thì sẽ rất dễ lơ là, coi thường. Chưa kể nguy cơ từ một số người kém ý thức, dần ảnh hưởng tạo thành tâm lý đám đông thì nguy cơ không phải là nhỏ đâu!