Không kịp trở tay

Hà Nội đang vào đợt nước rút của tuyển sinh đầu cấp, bỗng nhà trường, phụ huynh và học sinh (HS) “khựng” lại với thông tin: Ngay trong năm học 2021 - 2022, sẽ dừng tuyển sinh lớp 6 hệ song bằng…

Thông tin được đưa ra ngày 20-4 tại buổi làm việc với hiệu trưởng các trường THCS, THPT đang thí điểm mô hình song bằng, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội chủ trì. Tất cả đều không kịp trở tay vì trước đó chỉ một tuần, trong hướng dẫn tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2021 - 2022, Sở vẫn đề cập nội dung tuyển sinh vào chương trình song bằng (!?).

Đề án “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại các trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội” triển khai từ năm học 2018 - 2019. Bảy trường THCS được phép tuyển sinh gồm: Chu Văn An, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Ngô Sĩ Liên, Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trưng Vương. HS theo học chương trình song bằng được học các môn theo quy định của Bộ GD&ĐT, đồng thời học các môn của Cambridge theo lộ trình. Chương trình nhận được sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh. Từ chương trình trung cấp IGCSE Cambridge, sẽ tiến tới học chương trình cao cấp A-level và theo học tại các trường đại học trên thế giới. Có phụ huynh ví von con mình sẽ được học “chương trình ngoại nhưng giá nội”. Có gia đình coi đây là bước chuẩn bị cho hành trình du học dài hơi… Ngay khi thí điểm, vào mùa tuyển sinh, HS phải chen chân thi vào hệ này, nhiều chuyên gia đánh giá, tỷ lệ “chọi” còn cao hơn thi đại học.

Để thực hiện chương trình, các trường cũng phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế. Còn nhớ, cách đây không lâu, sau một thời gian nỗ lực, các trường THCS Thanh Xuân và Cầu Giấy được công nhận là trường thành viên Cambridge, có mã số riêng. Kết quả này đã nâng vị trí một số trường THCS của Việt Nam sánh ngang các trường Cambridge trong hệ thống, mang lại nhiều thuận lợi cho HS như nhà trường có thể tự tổ chức các kỳ thi check point, quyền tiếp cận học liệu, tài khoản Cambridge… Độ thu hút của hệ song bằng càng tăng khi nhiều quận coi song bằng là thương hiệu của trường, được tập trung đầu tư.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”! Liên hệ một hiệu trưởng trường THCS có hệ song bằng, câu trả lời là: “Đang ngồi trên đống lửa!”. Bởi các trường đều đã làm xong công tác tuyển sinh. Còn phụ huynh đều đã lên kế hoạch cho con thi cử. HS đã vất vả ôn luyện, thậm chí từ năm lớp 3 để tích lũy kiến thức tiếng Anh nhất định. Rồi hàng trăm học sinh đang theo học hệ này rối bời vì cửa đầu vào cấp THPT hệ song bằng quá hẹp. Hiện, bảy trường THCS đào tạo song bằng với tổng chỉ tiêu hằng năm là 350 nhưng chỉ duy nhất hai trường THPT có thể đón học sinh học tiếp là THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Mỗi năm, hai trường này có tổng 100 chỉ tiêu. Vậy số HS còn lại sẽ theo học ở đâu, theo chương trình gì?

Nhiều thầy, cô an ủi, đã học hệ song bằng, HS đều học giỏi nên các em cũng sẽ dễ thích ứng môi trường mới. Nhưng phụ huynh thì thất vọng, vì các con học vất vả, học phí cũng không hề rẻ mà chẳng đâu vào đâu. Dư luận cũng băn khoăn, một chương trình được đầu tư, được kỳ vọng, có thể nói là đang thí điểm thành công sao lại dừng đột ngột?

Vì thế, việc có kế hoạch dài hơi đối với các chương trình đào tạo mới rất quan trọng, trong đó bên cạnh chương trình dạy và học có nhiều cải tiến, thì việc bảo đảm quá trình đào tạo giữ ổn định trong thời gian dài để phụ huynh và học sinh có thời gian tiếp cận, học tập là điều cần ưu tiên. Tránh để các chương trình đào tạo thay đổi liên tục, gây khó khăn rất lớn cho việc dạy và học của các trường cũng như học sinh.