Khi “cung” loạn

Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) vừa đình chỉ thêm chín trường đại học: dừng cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học! Trước đó, Bộ đã báo cho bảy đơn vị phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin; 42 đơn vị phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Sao bây giờ mới đụng đến các đơn vị này? Trong khi, đã từ lâu, trên các trang mạng xã hội, thậm chí ngay cả điện thoại cá nhân, việc mời chào, gửi tin nhắn với nội dung lo liệu trọn gói để có các văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cứ dễ như… mua một mớ rau! Phải chăng có cầu ắt có cung?

Có trình độ về ngoại ngữ, tin học - được bảo đảm bằng chứng chỉ thật, bằng thật. Đó là yêu cầu, điều kiện cơ bản trong việc tuyển người của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Cũng là mục tiêu chuẩn hóa nhằm đáp ứng nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong khi đó, “thị trường” tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học lại “vàng thau lẫn lộn”, bản thân không ít người học khó phân biệt thật - giả...

Đã có không ít trung tâm tin học, ngoại ngữ “tự xưng” có liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín, tổ chức các khóa học trọn gói gồm ôn tập, “bao” thi đỗ hoặc “bao” cấp chứng chỉ. Vì rất cần, nên không ít người học tặc lưỡi đăng ký, mà không tìm hiểu kỹ đơn vị đó có được phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ hay không? Thậm chí, có kỳ thi chỉ mang tính hình thức... mà không quan tâm đến chất lượng thật sự của người học. Sự dễ dãi, lỏng lẻo này gây ra hậu quả cho chính người học cũng như cơ quan, đơn vị sử dụng lao động.

Việc Bộ GD&ĐT công bố danh sách các trường đại học và đơn vị được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là bước đi cần thiết để minh bạch thông tin, kiểm soát chặt chẽ chất lượng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với thực tế như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - những nơi có nhu cầu lớn về đào tạo ngoại ngữ, tin học với hàng trăm trung tâm được cấp phép hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thì yêu cầu về trách nhiệm, năng lực thanh tra, kiểm tra, quản lý của ngành chức năng, địa phương ngày càng phải tăng cao và chặt chẽ hơn.

Và làm gì để bảo đảm quyền lợi của người học?

Đó là những yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự, tính pháp lý hoạt động; học phí... Đây là những yêu cầu bắt buộc đối với một trung tâm ngoại ngữ hay tin học khi đi vào hoạt động; đồng thời sẽ giúp lành mạnh hóa “thị trường” này, tránh thật giả lẫn lộn, lợi dụng lòng tin của học viên để trục lợi.

Về lâu dài, việc đánh giá năng lực, thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cần được đổi mới theo hướng thống nhất, chuyên nghiệp, công bằng, khách quan. Nhất là, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, cần xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ, tin học tiệm cận chuẩn quốc tế.