Hãy tự trách mình

“Con cái đang ngày càng khó bảo”, một đồng nghiệp than thở trong giờ nghỉ trưa tại cơ quan. Chị kể, trong thời gian các con phải nghỉ học vì Covid-19, hai đứa con nhà chị ở nhà 24/24 giờ.

Đứa lớn lớp 10, đứa bé lớp 8. Hết tự học, học trực tuyến trên tivi, ăn, ngủ thì hai anh em không rời mắt khỏi máy tính và điện thoại. Còn lại, không động chân động tay làm việc nhà. Quần áo thay ra cũng để đó bố mẹ đi giặt, đi phơi. Đến chuyện nấu cơm, rửa bát cũng cứ đùn đẩy nhau… Chị khác thì kể, con gái lớn năm nay học lớp 12, chuẩn bị thi, nhưng cũng “lười vô độ”. Thậm chí, trong những ngày “ai ở yên chỗ đó” vẫn lén lút hẹn bạn đi chơi, đến khi bố mẹ phát hiện gọi thì mới về.

Nhiều phụ huynh có cùng băn khoăn: Không rõ việc rèn giũa nền nếp sinh hoạt cho học sinh đã được nhà trường thực hiện như thế nào?

Tuy nhiên, trước khi “phán” nhà trường, phụ huynh cũng cần xem lại cách giáo dục của gia đình với con em, ngay từ nhỏ. Không thể và cũng không nên dồn hết cho nhà trường. Bởi thực tế, thời gian một đứa trẻ ở trong nhà nhiều hơn ở trường và ngoài xã hội. Nhất là trong “thời” Covid này, thì học sinh, sinh viên ở nhà cả ngày. Đây chính là cơ hội để cha mẹ dành thời gian trò chuyện, rèn giũa con. Không thể để con suốt ngày xem tivi hay lướt mạng xã hội sau đó lại đổ cho cách dạy ở nhà trường.

Đành rằng, trên thực tế vẫn còn tình trạng một số tiết học về đạo đức, kỹ năng sống còn mang tính hình thức, nặng về rao giảng đạo lý hay việc giảng dạy của giáo viên chưa thật sự hấp dẫn, thậm chí thiếu quan tâm tới cảm nhận của học sinh xem các em tiếp thu những vấn đề đó thế nào, cần ứng dụng vào cuộc sống ra sao. Song, vai trò của phụ huynh là vô cùng quan trọng. Dạy con làm việc nhà là một hành trình khá gian nan. Việc thiếu sự sắp xếp thời gian biểu mỗi ngày khi con nghỉ học, lỗi này có phần của cha mẹ. Nếu phụ huynh chủ động trao đổi với con, đưa ra một thời gian biểu lúc nào học, khi nào tham gia dọn dẹp nhà cửa, giờ nào nấu cơm…, chắc hẳn những đứa trẻ sẽ dần dần vào nếp.

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, chính lối sống hiện nay của nhiều gia đình ở đô thị đã tác động tới tính cách, lối sống của con cái. Sự bận rộn của cha mẹ khiến con cái cảm thấy hụt hẫng, nên thường phải tìm tới các trò vui khác. Khi cha mẹ mải mê với tivi, với mạng xã hội thì con cái cũng bắt chước làm theo. Hoặc ở nhiều gia đình, cha mẹ sợ con làm quấy quá không sạch, sợ đổ vỡ, hỏng hóc nên cứ trực tiếp làm. Lâu dần những đứa trẻ đã không có cơ hội để rèn giũa, sinh tâm lý ỷ lại, thậm chí trở nên ngơ ngác trong chính ngôi nhà của mình.

Vì thế, trước khi trách con, trách trường học, hãy tự trách mình!