Hãy đề phòng hơn mức cần thiết

Bão số 9 đã ập tới dữ dội với những tàn phá nặng nề ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền trung. Có một điều đáng ghi nhận, trước khi cơn bão đổ bộ, nhờ thực hiện nghiêm công tác phòng bị theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là sự vào cuộc nhanh chóng, chặt chẽ của các địa phương, các lực lượng nơi được dự báo bão sẽ đổ bộ, cộng với ý thức chấp hành, hợp tác và tích cực tự bảo toàn của người dân, nên tổn thất đã được giảm bớt.

Vậy nhưng, vẫn phải thấy ở đâu đó có những chủ quan, lơ là hoặc hạn chế nhất định, trong đó có việc một số người dân không ý thức đầy đủ được mức độ nguy hiểm, khả năng tàn phá của bão, cộng thêm cả những lý do về điều kiện vật chất, sức lực và thời gian, nên vẫn gặp phải thiệt hại. Thậm chí có cả người rời khỏi nơi tập trung, suýt nữa gặp nguy hiểm, may được hỗ trợ kịp thời. Có cả người, lúc gió bão mạnh, lại… không ở trong nhà. Ghi nhận bước đầu của các cơ quan chức năng cho thấy đã có thiệt hại về người, nhà cửa, tàu thuyền…

Điều này, có thể thấy cả trong việc phòng, chống những cơn bão, đợt lũ vừa qua, ngay trước khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền. Với những thiệt hại, mất mát về con người, tài sản khi không kịp thời được trang bị phương tiện cứu hộ, cơ sở hạ tầng, vật chất của hộ gia đình không bảo đảm được chống chịu với mưa, lũ, nước ngập. Thường xuyên trong những năm qua, trước những đợt thiên tai, mặc dù đã có những khuyến cáo, tuyên truyền sớm trên hệ thống thông tin đại chúng, qua hệ thống cơ quan công quyền ở địa phương, cơ sở, nhưng phải chăng đâu đó, trong sự tiếp nhận của bà con, trong cách nghĩ và thói quen hành động, vẫn còn có những lỗ hổng?

Đây thật sự là câu chuyện đáng để bà con ta suy nghĩ và các cơ quan chức năng địa phương cũng tiếp tục nhìn lại. Các cơ quan, lực lượng thêm chú trọng khi tuyên truyền, vận động, thậm chí cả dùng biện pháp bắt buộc di dời, tập trung khi cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân. Đặc biệt là bà con ta, trong diễn biến thường xuyên, liên tục, bất thường của thiên tai những ngày này, cần chú ý thực hiện chặt chẽ những khuyến cáo, nhắc nhở của địa phương và các lực lượng chức năng. Cần bảo đảm an toàn trước hết là sinh mạng con người, là chính bản thân và gia đình mình. 

Những điều đáng nghĩ, đáng làm này, là để cho ngay chính thời điểm hiện tại, khi bão đã tiến công, mưa lớn đang tiếp tục, nguy cơ lũ, ngập, sạt lở… vẫn là thường trực ở nhiều địa phương, chứ không phải cho một mối nguy hiểm nào đó được cho là chưa tới, sẽ tới, sắp tới… Người dân ở những vùng bị bão, lũ hãy nâng cao ý thức và hành động phòng bị hơn mức độ cần thiết. Có như vậy, chúng ta mới có thể giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể do bão, lũ gây ra.