“Được vạ thì má đã sưng”

Nhiều sáng nghe đài cứ thấy băn khoăn. Đang râm ran tình trạng gọi chung là: “Bảo hiểm đối phó”! Tức là mua bảo hiểm xe chỉ để đối phó lực lượng chức năng khi bị kiểm tra thôi. Chứ cũng chả trông mong gì được hưởng quyền lợi bảo hiểm nếu có sự cố xảy ra với phương tiện giao thông của mình.

Những ý kiến hồn nhiên nhưng cũng thẳng thắn của bà con đi đường và phân tích của chuyên gia luật phản ánh rõ, nhiều người cứ mua phòng sẵn thôi, để không bị phạt nếu thiếu bảo hiểm. Còn nhỡ có va chạm ở mức độ gây xước xát, móp méo xe cộ… trên đường thì tốt nhất là tự xử lý với nhau, thỏa thuận bồi thường này kia cho đỡ mất thời gian, công sức và cho êm chuyện. Chứ gọi được lực lượng chức năng xử lý, rồi đi thực hiện khai báo với cơ quan chi trả bảo hiểm thì thủ tục rắc rối, thời gian lâu la, lằng nhằng, có khi tốn phí, mệt mỏi còn gấp mấy lần cái khoản tiền được hưởng!

Điều gì dẫn đến suy nghĩ có phần thiếu tích cực, thiếu ý thức tuân thủ pháp luật ấy trong bà con? Việc tham gia bảo hiểm không chỉ để bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm nếu nhỡ có sự cố, mà còn bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba, tức là bên cùng bị xảy ra sự cố va chạm với mình. Bảo vệ cho hai đối tượng đó đều thiết thực cả. Thế nhưng, rất ít ai quan tâm mà phần lớn đều chả nghĩ, chả cần việc đó, nhỡ có gì trên đường thì nhanh nhanh chóng chóng mà giải quyết với nhau.

Nên rà soát lại trong cách thức giải quyết, trách nhiệm giải quyết và cả thái độ giải quyết của cơ quan thực hiện bán - chi trả bảo hiểm. Tinh thần chung là cần chính xác, nhanh gọn, thuận tiện cho bà con - những người chẳng may gặp sự cố, bị thiệt hại về vật chất. Còn về tâm lý thì cũng không ít trạng thái phải trải qua trước, trong và sau khi xảy ra va chạm, tai nạn: hoảng hốt, tức giận, lo lắng, sốt ruột, mệt mỏi, kể cả đau khổ, khi có những sự cố gây ra hậu quả nghiêm trọng…

Nhìn xa hơn từ cách bán, cách tuyên truyền cho bà con về bán - mua bảo hiểm. Với khách hàng, dịch vụ đã được làm tốt chưa? Có cung cấp được thông tin cần thiết, hữu ích với người ta không? Có tạo được cho người ta niềm tin vào việc chi trả bảo hiểm sau này khi cần thiết.

Nếu không giải quyết được câu chuyện “bảo hiểm đối phó”, thì người ta vẫn mua nhưng chỉ để đối phó, kèm với tâm lý tiêu cực. Bỏ tiền ra mua rồi sẵn sàng không hưởng quyền lợi, đó là một sự thiếu công bằng.