Dùng lại sách giáo khoa, sao khó thế?

Số liệu từ NXB Giáo dục Việt Nam cho thấy, bước vào năm học 2019 - 2020, hơn 110 triệu bản sách giáo khoa (SGK) đã được phát hành về các địa phương. Chuyện SGK, bao năm rồi vẫn là câu chuyện thời sự mỗi dịp đầu năm học mới. Trong đó, chuyện về sử dụng lại SGK vẫn được nêu ra, song vẻ như đó là câu chuyện… bất khả thi.

Bây giờ, SGK đã được in ấn đẹp hơn, chu toàn hơn xưa. Và khi kết thúc năm học, không phải là tất cả, nhưng dễ phải tới 80 - 90% các em học sinh vẫn giữ được bộ sách mình học mà không bị rách nát. Thế nhưng, những bộ sách, cuốn sách ấy lại không thể trao tặng lại cho các em học sinh lớp sau, bởi hầu hết các cuốn sách, nhất là sách Toán, tiếng Việt, Mỹ thuật - đã bị viết vào. Đó là những bài giải, những ô trống được các tác giả biên soạn SGK, của đơn vị xuất bản để trống cho các em điền vào. Điều này, không phải cho tới năm học này mới được nêu ra, mà từ nhiều năm trước, câu chuyện này đã được nhiều phụ huynh phàn nàn, nhiều chuyên gia giáo dục lên tiếng.

Trước thực tế trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra chỉ thị yêu cầu học sinh không viết, vẽ vào sách. Tuy nhiên, chỉ thị này không yêu cầu bắt buộc mà chỉ nhằm hướng dẫn giáo viên thực hiện phương pháp dạy học tích cực, bảo quản được sách và sử dụng lại lâu bền. Thế nhưng, nếu đã phát hành những bộ SGK, có thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành thí nghiệm, những bài tập tiếng Việt cho học sinh lớp 2 điền “l”, hay “n” vào dấu “ba chấm” (…), những ô trống trong sách Toán để các em điền dấu “lớn hơn” (>), “nhỏ hơn” (<) thì các thầy, cô giáo không dễ bảo học trò đừng viết vào sách.

Nhiều người đang kỳ vọng, SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới, bên cạnh nội dung thiết thực, thì một trong những tiêu chí quan trọng đó là có thể sử dụng lại. Chỉ có thay đổi từ việc biên soạn, thì mới tránh được sự lãng phí cho xã hội!