Đừng để lỡ... online

Hằng tháng qua, một quãng thời gian khá dài cho thấy sự “lên ngôi” của việc sử dụng internet vào các hoạt động đời sống. Chưa phải là “tột đỉnh”, không thể thay được hết mọi thứ kết nối, giao dịch, trao đổi trong cuộc sống vô vàn nhu cầu, kế hoạch, nhưng các ứng dụng mạng đã giúp người dân nhiều lắm khi cách ly, giãn cách xã hội…

Nào là rao hàng, mua sắm online, thanh toán qua mạng; làm việc tại nhà, họp hành, giao ban trực tuyến để bảo đảm bớt số người ở cơ quan; rồi giải trí, thưởng thức nghệ thuật online, tham quan, tìm hiểu, nâng cao tri thức qua các hệ thống trưng bày, trình diễn, giới thiệu trên mạng; lại cả khám bệnh trực tuyến cũng bắt đầu manh nha, gợi mở; việc học trực tuyến cho học sinh khi không thể đến trường cho thấy hiệu quả nhất định và những hạn chế cần rút kinh nghiệm…

Nhiều người bình thường quen di chuyển, đi lại, “không ra đường không chịu được”, nhưng khi việc cách ly, giãn cách là bắt buộc vì an toàn chung, đã bắt nhịp nếp làm việc mới, nếp sống có điều chỉnh, tiết chế trong đi lại, giao tiếp xã hội, lưu tâm vận dụng internet với các ứng dụng đa dạng cho công việc và sinh hoạt của mình. Bước vào sau thời kỳ cách ly, giãn cách xã hội, những vận dụng trên trong đời sống người dân có giảm bớt đi không? Người dân có lại trở về nếp sống, làm việc thời gian trước, để dừng lại một thói quen, nếp sống mới đã hình thành nhưng chưa kịp ăn sâu?

Đấy cũng là tín hiệu “đánh tiếng” với các nhà quản lý về vấn đề đổi mới, hiện đại hóa, công nghệ hóa tích cực hơn trong công tác quản trị xã hội, với các cơ quan trong việc quản lý nhân sự, xây dựng kế hoạch làm việc, tổ chức các nội dung chuyên môn, công tác… Cũng là gợi mở đối với giới chuyên môn trong việc minh chứng và phân tích, gợi mở cùng giới lãnh đạo, quản lý về xu hướng, những tiện ích của việc xây dựng “xã hội online”. Một thí dụ có thể còn được coi là nhỏ thôi, nhưng làm được thì hiệu quả sẽ không hề nhỏ. Đó là việc hệ thống hóa ngân hàng dữ liệu nhân thân chẳng hạn - tất nhiên là với những nơi có điều kiện đồng bộ về thiết bị, công nghệ. Nếu xây dựng được hệ thống này với các thông tin của mọi người dân về tên tuổi, ngày sinh, quê quán, địa chỉ, người thân, đặc điểm, nghề nghiệp… như những “sơ yếu lý lịch trên mạng”, thì việc đi lại, làm hồ sơ giấy tờ, các loại thủ tục liên quan sẽ nhẹ nhàng đi rất nhiều. Rồi thì nào thư viện online, đào tạo - tập huấn trực tuyến, các hình thức chợ - siêu thị online, rồi các hội nghị, hội thảo, chương trình hội họp… Có rất nhiều điều đáng suy nghĩ, hành động nhân giai đoạn và cơ hội này, vì sự tiện ích, tiết kiệm, hiện đại hóa chính đáng cho đời sống người dân.