Cố thêm chút nữa!

Bà con ta lắm người vẫn tồn tại dai dẳng những suy nghĩ rất lạ, rất kỳ. Vì cái lợi nhỏ hay một sự thỏa mãn trước mắt, có thể cố thêm chút xíu. Nghĩ thế nên trong hành vi cứ cố thêm nữa, thêm nữa…, xem chừng chẳng hại gì. Cái nguy, cái dở hình như nó xảy đến với ai, ở đâu ấy cơ, chứ không đến mình.

Bởi thế nên mới có cảnh đáng buồn, đáng tiếc trong ngày vừa rồi, là nhiều người xếp hàng nhận gạo hỗ trợ, đứng suýt soát nhau quá mà chả sợ, lại còn chen lấn, xô đẩy, không giữ được bình tĩnh với nhau nữa, thật ái ngại quá!

Không riêng bây giờ, đang lúc cao điểm dịch bệnh, mà chỉ cần để ý đời sống ngày thường sẽ thấy ngay cái sự cố thêm một cách vô lý ấy nó hiện diện không ít. Nào đi đường lấn làn, đang ùn mà lắm người đi xe máy, ô-tô cứ lấn thêm, lấn đến hết cả phần đường bên kia. Đường đã tắc lại càng lâu được giải tỏa, hai dòng người ngược chiều đứng… đối diện nhau mà những cái anh lấn làn như chả biết xấu hổ! Nào biết nguy hiểm mà vẫn cứ cố chen vào cho được. Như có lần trong mùa mưa bão, chỗ bờ sông gần cửa xả thủy điện, sóng, gió quật tơi bời, đã có biển cảnh báo nguy hiểm cắm ở đó mà bao người cứ cố dò ra tận nơi ghi hình, chụp ảnh (!?). Lại những khi xảy ra tai nạn trên đường, nhiều người qua lại cứ cố đi chậm để ngó, nhiều người cố chen vào tận nơi đứng vòng trong, vòng ngoài… nhìn người bị nạn, xe bị va chạm cho kỳ được, rất vô duyên. Rồi nhiều dịp lễ hội, hòa vào tâm lý tranh đua, lắm cái người ta càng cố, cố chen vào đó, lên đó cho kỳ được để xoa tay, xoa tiền vào vật được cho là thiêng, đã chật lắm mà vẫn cố nhoai vào, chen vai thích cánh. Trở lại vài tuần trước, không ít người phải nhăn mặt trước cái cảnh có đông người vào cửa hàng, siêu thị gom đồ, đã nhiều rồi, cứ cố lấy nữa, lấy nữa…

Thực ra tưởng lạ đấy, kỳ đấy mà chả xa xôi gì. Nó nằm ngay trong cái sự không thật đáng tự hào lắm về căn tính tiểu nông, tham vặt, hiếu sự, tâm lý ganh đua… đã truyền qua bao nhiêu năm mà nhiều người đã chỉ ra, đồng thời với việc mong thay đổi, điều chỉnh. Bởi những biểu hiện ấy, nó xuất hiện trong cả việc to lẫn việc nhỏ, ăn cả vào đời sống sinh hoạt ngày thường, nhiều khi gây cho người ta lắm vướng bận, phiền toái. Nó ngược lại với mục tiêu xây dựng nếp sống văn minh, hình thành lối ứng xử lịch thiệp nơi công cộng - là việc cả xã hội đang hướng đến. Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục nói chung thì ý thức tự giác từ bản thân mỗi người cũng là điều cần biết bao nhiêu. Nhìn thấy cái hạn chế ở người khác, ở người thân của mình để mà bảo nhau, mà điều chỉnh từ bản thân là việc không thừa.