Chưa xong thì làm cho nốt đi!

Suy nghĩ ấy bật lên tức thì khi người ta gặp những gì đang làm dở mà cứ để dở dang thế mãi. Nhất là, khi đã sắp xong, tưởng xong đến nơi, mà chả biết khi nào xong, hứa lên hứa xuống, hẹn tới hẹn lui. Những tình cảnh ấy thường gây bực bội, ức chế. Chưa kể, nhiều khi còn gây hoài phí, bất tiện, ảnh hưởng không tốt đến nhiều người.

Một đoạn đường không dài, vài trăm mét thôi, bên cạnh Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), mở rộng xong đường nhựa từ Tết âm lịch. Nay chẳng mấy sẽ đến một cái Tết âm lịch nữa, mà vỉa hè còn nhuôm nhoam. Vẫn ngổn ngang một dọc dài không ra bức tường cũng chẳng thành bồn trồng cây, đang “chát chít” dở, lem nhem chắn lối sang khu công viên đằng sau nghĩa trang, nơi lẽ ra đã thành một không gian công cộng phục vụ người dân sở tại. Con đường lẫn hè đường khi trời tối thì luôn có nguy cơ va chạm bởi thiếu đèn.

Người viết những dòng này từng chứng kiến chỉ một đoạn đường ngắn “vắt” qua khu vực tiếp giáp hai huyện Thanh Oai và Ứng Hòa của Hà Nội, từng suốt nhiều năm lổn nhổn, khấp khểnh mặc dù hai phía đường chạy về hai huyện đã trải nhựa phẳng phiu. Mưa thì lầy lội, mà khô hanh nắng nỏ thì lầm bụi.

Mới rồi lại đi qua một khu dừng nghỉ ven cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nằm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, có đường vào, bãi đỗ xe, cây xăng, nhà vệ sinh, nhưng căng-tin thì… vẫn là cái vỏ nhà không. Chung quanh cây cỏ um tùm. Thật là phí phạm!

Nhiều những công trình, cơ ngơi, địa điểm, phương tiện… cứ dở chừng như thế lắm! Thậm chí đã gần như xong xuôi mà không phát huy được. Có nơi xây chợ xong, để… không, tư thương không vào bán, dân chẳng đến mua. Có nơi cả một dãy tòa nhà gọi là khu giới thiệu sản phẩm làng nghề mà đóng cửa im ỉm suốt năm ròng, bạc dần, cũ dần. Có đoạn trên cao tốc, bao lâu nay nguyên một nhịp cầu dài bắc ngang trên đầu, hai phía là… khoảng không! Có những nhà văn hóa thôn khóa cửa thường xuyên. Con đường nọ làm to đẹp đến gần cuối để thông sang đường lớn khác thì vướng mãi mấy chỗ không thông được, không giải tỏa xong…

Không hiểu những người làm họ nghĩ gì! Hoặc những địa phương, cơ quan, ban, ngành bỏ kinh phí ra làm. Tiền gì thì cũng là lãng phí cả, dù từ ngân sách hay xã hội hóa, cộng đồng đóng góp, hay tiền doanh nghiệp. Mà việc hoàn thiện, việc tổ chức hoạt động không đến nơi đến chốn thì mất hiệu quả sử dụng.

Để lãng phí thế thì đáng trách lắm! Chưa xong mà không xong cho nốt, không đưa vào hoạt động, phát huy thì càng thêm đáng phạt!