“Chạnh lòng” phòng bệnh hạng sang!

Bộ Y tế đang rà soát lần cuối dự thảo Thông tư “Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp” để ban hành vào tháng 10 tới. Đây là lần đầu tiên Bộ ban hành quy định này, để bảo đảm giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện (BV) công đúng với chất lượng cung cấp.

Điều đặc biệt, đối với giá giường bệnh tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), giá tối đa có thể lên đến… bốn triệu đồng/ngày (với BV hạng đặc biệt, 1 giường/phòng)… Với mức giá này, nhiều ý kiến cho rằng quá cao, ngang với giá phòng khách sạn hạng sang.

Hiện nay, nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh có chất lượng dịch vụ cao, đòi hỏi được chăm sóc toàn diện (dịch vụ theo yêu cầu) là rất lớn. Các BV trong nước có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng được nên thời gian qua, nhiều người phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh; người nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Mặt khác, hiện nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại, có nhu cầu khám, chữa bệnh ở mức cao hơn.

Việc xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập là cần thiết. Nhưng dựa trên cơ sở vật chất các BV công được Nhà nước đầu tư, sử dụng nguồn lực công và còn đang chịu quá nhiều sức ép quá tải thì các BV lại mở ra phòng dịch vụ với mỗi phòng 1 giường đầy đủ tiện nghi liệu có hợp lý?

Tại các BV tuyến T.Ư, tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, nằm cáng, nhưng BV dành tới 25%, thậm chí 40% số giường kế hoạch cho “dịch vụ y tế theo yêu cầu” có mức giá cao là hoàn toàn không ổn. Theo quy định về việc sử dụng tài sản công, BV phải hoàn thành kế hoạch được giao, tức là bảo đảm số giường kế hoạch phục vụ bệnh nhân, còn lại mới dành cho dịch vụ. Ở nhiều BV, nguồn thu từ khám, chữa bệnh bằng BHYT chiếm đến 80%. Đây là nguồn thu ổn định, nếu BV không chú trọng loại hình này, chỉ tập trung tới khám, chữa bệnh theo yêu cầu, quay lưng với người khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT thì người dân sẽ không đến khám, kéo theo sự suy giảm lớn nguồn thu của BV đó.

Cùng với khám, chữa bệnh bằng BHYT, BV cũng cần được khuyến khích đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để khám, chữa bệnh theo yêu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế cần phải gắn với chất lượng, nếu không bảo đảm thì BV chỉ được nhận một phần của giá viện phí. Có như vậy mới mang lại công bằng cho người bệnh.