Cải cách... chưa đáng kể!

Mặc dù việc cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) và thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đã được Chính phủ nỗ lực thúc đẩy trong thời gian qua, tuy nhiên, việc “rút gọn” các thủ tục được đánh giá vẫn còn chủ yếu là mang tính cơ học, hình thức, chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp (DN) về một môi trường kinh doanh (MTKD) thông thoáng, bình đẳng.

Theo thống kê, hiện vẫn còn hơn 77.400 mặt hàng phải KTCN thuộc diện quản lý và KTCN. Bên cạnh đó, thời gian KTCN ngành trung bình là 76 giờ/thủ tục, gấp gần ba lần so các nước ASEAN 4.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP (NQ 02) về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong sáu tháng đầu năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về công tác KTCN nêu rõ: “Nhìn chung trong quý II-2019, công tác quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể”.

Cụ thể, báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu, NQ 02 nhấn mạnh, trước tháng 6-2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, KTCN. Tuy nhiên, nhiệm vụ này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng KTCN như yêu cầu của Chính phủ.

Ghi nhận việc cắt giảm ĐKKD, thủ tục KTCN thời gian qua đã định ra được một “đường ray”, song Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung cho rằng, vấn đề hiện nay là cần tăng tốc, liên tục việc cải cách toàn diện, trong đó có cắt giảm ĐKKD và thủ tục KTCN. Nếu không tăng tốc, không kiên trì cải cách thì nền kinh tế sẽ không thể phát triển nhanh và bền vững cũng như khơi dậy được những động lực tăng trưởng mới, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển với tốc độ rất nhanh, và nguy cơ tụt hậu là hiện hữu.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, thực tế cho thấy, việc cắt giảm thủ tục, hàng hóa KTCN là chưa đáng kể, chưa thực chất. Nếu việc cải cách mà không thực chất thì không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển DN mà còn đẩy Việt Nam vào nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi thương mại toàn cầu. Trách nhiệm của từng bộ, ngành cần được Chính phủ quy định cụ thể để tăng cường tính chủ động vào cuộc thực hiện cắt giảm hàng hóa, thủ tục KTCN một cách thực chất.