Biết giả sao khó thu hồi?

Có ốm mới phải dùng thuốc. Có bệnh mới phải mua thuốc. Với bệnh nan y, thuốc là giải pháp chữa bệnh quan trọng hàng đầu với tính mạng con người. Thế nhưng, thật đáng buồn, là khi con người ta chỉ biết bấu víu vào thuốc để mong duy trì sự sống thì thuốc lại không phải là cái cọc tốt.

Chẳng còn ngạc nhiên, khi thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng liên tục phát hiện và yêu cầu thu hồi nhiều loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Điều đó có nghĩa, trên thị trường tân dược hiện nay, thật giả đang lẫn lộn. Và chỉ khi các cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo, người bệnh mới giật mình thon thót.

Số liệu thống kê gần đây của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam dao động khoảng 2 - 3% và tỷ lệ thuốc giả dưới 0,02%. Nghĩa là trong số hàng vạn loại thuốc đang lưu hành, mỗi năm cả nước có hàng trăm loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị phát hiện và đình chỉ lưu hành. Thực trạng này đang gây ra những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe người sử dụng, cũng như những thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người bệnh và các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến liệu pháp điều trị và tâm lý của người bệnh. Trong khi đó, khó có thể yêu cầu cá nhân, hay đơn vị nào bồi thường thiệt hại cho người bệnh đã uống phải thuốc kém chất lượng.

Điều đáng lo ngại là, trước đây thuốc giả, thuốc kém chất lượng thường được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa thì gần đây đã xuất hiện ở nhiều thành phố lớn, thậm chí trong không ít bệnh viện. Không chỉ vậy, thuốc giả ngày càng được làm tinh vi nên cơ quan chức năng và người sử dụng rất khó phát hiện. Nếu như trước đây, các loại thuốc bị làm giả, không bảo đảm chất lượng chủ yếu là: kháng sinh, chống nhiễm khuẩn, cảm cúm, tiêu hóa, vitamin... thì gần đây, cơ quan chức năng phát hiện biệt dược đặc trị nhập khẩu cũng kém chất lượng và không an toàn cho người sử dụng.

Tuy vậy, phát hiện, thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng chưa bao giờ là việc dễ dàng, do nhiều nguyên nhân: Đường đi của thuốc khá phức tạp, qua nhiều khâu trung gian nên khi kiểm tra, kiểm nghiệm và phát hiện thuốc giả thì rất khó truy xuất, thu hồi. Mặt khác, do lực lượng thanh tra y tế mỏng, năng lực kiểm nghiệm còn hạn chế cho nên công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dược phẩm cũng như xử lý vi phạm, thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng còn nhiều hạn chế. Tương tự, số lượng cơ sở cung ứng thuốc hiện ở mức rất lớn nhưng công tác quản lý hệ thống này, nhất là đối với các nhà thuốc tư nhân, còn nhiều lỗ hổng, bất cập.

Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người dân khi sử dụng thuốc chữa bệnh, phòng ngừa thuốc giả, kém chất lượng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh dược phẩm. Trong đó, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc sử dụng thuốc hợp lý và an toàn. Đồng thời các cơ quan chức năng cần đầu tư nâng cao năng lực về kiểm nghiệm thuốc, cũng như đẩy mạnh giám sát đầu vào, kiểm tra và hậu kiểm trên thị trường dược phẩm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc đưa các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng ra thị trường. Nhất là phải xử lý nghiêm minh mọi trường hợp vi phạm chất lượng thuốc.