Bảo vệ trẻ hằng ngày

Vào mỗi kỳ nghỉ hè, tỷ lệ tai nạn ở trẻ em lại tăng cao, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm thường trực. Tuổi mẫu giáo và tiểu học là hai nhóm tuổi có tỷ lệ gặp tai nạn cao nhất.

Tuổi mẫu giáo là tuổi đến trường, bắt đầu xa dần vòng tay cha mẹ. Còn tuổi tiểu học là độ tuổi tò mò, ham khám phá, tìm hiểu, dễ bị lôi kéo nhưng cha mẹ không thể đi theo bảo vệ con suốt cả ngày để triệt tiêu mọi nguy hiểm quanh con. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn, trẻ em cần được hướng dẫn đầy đủ kỹ năng tự phòng vệ bản thân trước các mối nguy hiểm, mà cha mẹ phải là người đầu tiên trang bị cho con em mình những kỹ năng này.

Thời gian qua, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em nổi lên như một vấn đề nhức nhối, cùng với đó là sự gia tăng những vụ bạo lực học đường, bạo hành, xâm hại, lạm dụng trẻ em ở không ít địa phương trong cả nước khiến dư luận hoang mang, bức xúc. Qua những vụ việc được phát hiện và báo chí phản ánh, có thể thấy mức độ nghiêm trọng các vụ án dạng này. Nhẹ nhất là trẻ bị sang chấn tâm lý, về lâu dài có thể ảnh hưởng tâm sinh lý phát triển, nặng hơn nữa là trẻ bị thương tật, thậm chí là bị sát hại.

Một số vụ xâm hại trẻ em khi được phát hiện cho thấy, kẻ thủ ác và nạn nhân ít nhiều có quan hệ quen biết, thậm chí là hàng xóm, là chủ và người làm thuê, là thân nhân, họ hàng, thậm chí cha mẹ ruột, ông bà với con cháu… Và chỉ cần vài phút lơ là, việc xâm hại đã có thể xảy ra. Vì thế, đôi khi trẻ không thể hiểu hết và lường trước được mối nguy hiểm chung quanh từ chính những người thân quen. Thực trạng này cho thấy, trẻ em hiện nay được bảo vệ chưa tốt, nhiều nguy cơ rình rập cuộc sống hồn nhiên của các em.

Hiện nước ta có 17 cơ quan bảo vệ, hỗ trợ chăm sóc quyền lợi trẻ em, các văn bản pháp luật và thiết chế bảo vệ trẻ em cũng đã có đủ, nhưng thực tế cho thấy tội phạm xâm hại trẻ em chưa được ngăn chặn hiệu quả. Đã đến lúc mỗi gia đình, nhà trường, các cơ quan, tổ chức và các cấp chính quyền phải đặt vấn đề này thành mối quan tâm thường xuyên, liên tục với những phương thức, biện pháp phù hợp hơn.

Tháng hành động Vì trẻ em năm 2019 đã chính thức bắt đầu với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”. Đây là năm thứ 25 Tháng hành động Vì trẻ em được thực hiện như một hoạt động thường niên. Nhưng để hạn chế tối đa những tai nạn xảy ra với trẻ em, không chỉ cần sự quan tâm, chăm sóc từ phía gia đình mà rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, của các cơ quan, tổ chức Đoàn Thanh niên cơ sở ở cấp xã, phường trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Bảo vệ sự an toàn của trẻ là trách nhiệm của toàn cộng đồng và xã hội, trước những nguy cơ xâm hại luôn tiềm ẩn.