Bạo hành học sinh, bao giờ chấm dứt?

Lại thêm một vụ bạo hành học sinh vừa được phát hiện, khiến không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng.

Chị Khánh Hà, nhà ở phố Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) như còn nguyên bức xúc khi đọc tin về chuyện mới đây, một bé trai ở Long Khánh, Đồng Nai bị gãy xương đùi trong giờ học. Vụ việc khiến chị nhớ lại con gái chị, hồi học lớp 1, cũng đã từng bị cô giáo nhiều lần cầm vật cứng đánh vào tay, chân khiến suốt một thời gian dài cháu sợ đến trường.

Trở lại với chuyện cháu bé ở Đồng Nai. Tường trình của phụ huynh cháu bé Đ.G.P (3 tuổi)  trước cơ quan công an về việc bị gãy xương đùi trong giờ học. Cháu P. học lớp mầm 3, Trường mẫu giáo Họa Mi, phường Xuân Bình, do cô P.T.Th.Th. là giáo viên chủ nhiệm. Qua xác minh, được biết trưa ngày 28-10, vào cuối giờ ăn, còn một số bé ăn chậm, trong đó có bé P. Do nóng lòng cho các cháu ăn nhanh, cô Th. đã bế bé P. lên và gác chân phải của bé lên cổ. Sau đó bé kêu đau, cô Th. đã kiểm tra và đưa bé đi khám tại bệnh viện. Kết quả chụp X-quang cho thấy bé P. bị gãy xương đùi, cô Th. đã điện thoại báo cho gia đình. Chiều cùng ngày, gia đình đưa bé đi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, Ban Giám hiệu Trường Họa Mi yêu cầu cô Th. làm tường trình và ra quyết định tạm đình chỉ công tác một tháng để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Rất đáng buồn, đây không phải là trường hợp cá biệt. Năm học mới mới đi được nửa học kỳ, nhưng câu chuyện cô giáo không kiềm chế được cảm xúc, hành vi của mình dẫn tới đánh hoặc có hành vi thô bạo, hành động mạnh tay với học sinh xảy ra ở khá nhiều nơi. Trước đó, hồi đầu tháng 10, tại Trường tiểu học Nguyễn Du (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) xảy ra vụ giáo viên chủ nhiệm lớp 3B trong tiết dạy môn Toán đã không kiềm chế được bản thân, dùng thước đánh vào đùi của em T.B.T.Đ., gây bầm tím. Hay hồi cuối tháng 9, ở Hà Giang, UBND huyện Bắc Quang cũng phải ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng, đình chỉ giảng dạy ba tháng một giáo viên vì tát vào má một nữ học sinh, đồng thời đánh vào tay năm em học sinh khác cùng lớp…

Vẫn biết, làm nghề giáo, nhất là dạy mầm non hay lớp 1, phải uốn nắn, chỉ bảo cho những đứa trẻ “vắt mũi chưa sạch” thường vất vả, cực nhọc, thậm chí phải đối diện nhiều ức chế không mong muốn. Song đã đi theo nghề giáo, đã chấp nhận đó là nghề nghiệp, thì rõ ràng, cần phải chuẩn bị tâm lý cho mình. 

Xã hội không ai muốn các thầy, cô giáo phải đối diện với những hình phạt do pháp luật quy định, nhưng họ có quyền đòi hỏi luật pháp phải nghiêm minh. Khi thầy, cô giáo gây ra những hành động có tính bạo hành cho học sinh, thì cần phải xử lý. Thậm chí cần phải loại ra khỏi ngành giáo dục những cá nhân cá biệt có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy cũng như uy tín của ngành, gây thương tích, ảnh hưởng đến thân thể và gieo rắc nỗi sợ hãi vào tâm lý non dại của các cháu.