Ai chọn sách cho các cháu?

Sai sót trong nội dung cần sửa chữa và tồn tại cần thay đổi trong việc soạn SGK lớp 1 chưa hết ồn ào, thì lại mới xuất hiện những băn khoăn liên quan đến bộ sách lớp 2, lớp 6. Dù những hạt sạn hay mức độ hạn chế của mỗi bộ sách là khác nhau, nhưng đều cho thấy bất cập trong việc biên soạn, thẩm định, thông qua các bộ sách này và cần phải được làm rõ. 

Và không hiểu rồi sẽ còn có những gì khúc mắc ở những cuốn sách, tài liệu học tập khác nữa? Nhưng ở đây, đã hiện lên một câu hỏi tưởng dễ giải đáp: Ai chọn sách cho các cháu? Mà thực ra, lại không dễ xác định được ngay đối tượng. Vì việc chọn sách liên quan đến trách nhiệm trước các nhà trường, trước học sinh và phụ huynh. Chứ không phải chỉ đơn giản là ai, cơ quan nào đó chọn lựa trong các bộ sách ra một bộ “ưng ý” rồi cứ thế mà triển khai cho việc đăng ký đặt hàng, phát hành, phân phối sách. Rõ ràng, tình hình “đánh vật” với SGK của các cháu thời gian qua và kể cả giáo viên, cùng những bức xúc của phụ huynh, cho thấy trách nhiệm này không phải là nhỏ.

Từ đó, rất nên, ngành giáo dục và xã hội, mà cụ thể nhất là các bậc phụ huynh, quan tâm hơn nữa đến câu chuyện chọn sách? Bởi một hướng đổi mới giáo dục là xây dựng nhiều bộ SGK nên so sánh để sàng lọc, chọn lựa là không thể coi nhẹ. Vai trò lựa chọn và câu trả lời, nên chăng, phải có sự chung tay giữa nhà trường và xã hội giữa các thầy giáo, cô giáo và bố mẹ các cháu học sinh một cách đàng hoàng, minh bạch và bình đẳng.

Thậm chí, ngay cả khi giáo viên nhà trường, có sự đồng thuận cao với nhà trường, sở, ngành, thì tiếng nói của phụ huynh cũng cần được chú trọng chứ không phải ở thế chịu sự áp đặt, “sự đã rồi”. Không nên quy trách nhiệm chuyên môn cho riêng giáo viên và nhà trường trong việc này (nếu thế, thì tại sao thời gian qua khi các cháu về nhà, nhiều phụ huynh vẫn phải “học cùng con” đến phát mệt!). Mà các bậc cha mẹ cần được tham khảo sách, cảm nhận, đánh giá và tham gia quyết định việc lựa chọn. Việc này không những giúp chọn sách được tốt hơn mà cả những sai sót, hạn chế nếu có trong tất cả các bộ sách “ứng cử viên”, cũng sẽ được nhìn ra, góp ý công khai và xây dựng để sửa chữa, rút kinh nghiệm. Phụ huynh cũng không đơn độc trong việc này, vì sau lưng họ còn có các chuyên gia giáo dục, tâm lý, có dư luận xã hội và tiếng nói báo chí…  

Vấn đề là tạo cơ chế và thúc đẩy thế nào để phát huy “quyền chọn sách” của giáo viên và phụ huynh. Nhất là phát huy một cách tự tin, bình đẳng. Và hệ thống biên soạn, thẩm định, phê duyệt, phát hành, quản lý giáo dục có tôn trọng điều đó hay không.