3R và 5R

Ngày nào chúng ta cũng bận rộn và bức xúc bởi bao nhiêu thông tin không vui: thuế, cà-phê pin, thuốc ung thư giả, lạm dụng tình dục nơi công sở, cô giáo mầm non đánh trẻ... Những chuyện như thế còn nhiều, cũng như những bình luận về chúng không bao giờ dứt.

Nhưng, việc rất cần lại không mấy ai quan tâm, rằng với tốc độ thải ra trung bình 1,2 kg rác/ngày của mỗi người Việt Nam, ngày nào đó rác sẽ ngập mọi nơi, chúng ta sẽ thiếu cả chỗ đứng trên mặt đất. Con số này mới được đưa ra tại sự kiện Ngày Trái đất 20-4 tại Đà Nẵng. Đáng chú ý, 16% lượng rác thải ra là rác thải nhựa. Dân số Việt Nam làm tròn thì khoảng 100 triệu người, mỗi ngày sẽ thải ra 120 nghìn tấn rác, 18 nghìn tấn trong số đó là rác thải nhựa. Theo Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (ENDA Vietnam), dựa trên những nghiên cứu từ 109 quốc gia, thì Việt Nam nằm trong top 5 thế giới về số lượng rác nhựa thải ra đại dương với 1,8 tấn mỗi năm. Thật là một “thành tích” rất đáng buồn. Rác nhựa không phân hủy được, làm ô nhiễm biển, chết cá, làm ô nhiễm đất, chết cây trồng.

Chúng ta vô tư cầm túi nhựa ở siêu thị, quên mất rằng mình đang góp phần phá hoại môi trường. Một tăm bông, một cốc nhựa, ống hút… cũng tương tự. Cứ hình dung chúng ta sử dụng và vứt đi những vật dụng bằng nhựa thế nào, mỗi ngày. Trong khi đó, hệ thống xử lý rác thải ở Việt Nam lại thiếu đồng bộ, việc phân loại rác hàng chục năm nay chưa khả thi.

Có một giải pháp đơn giản và thiết thực, là giảm thiểu (reduce), tái sử dụng (re-use) và tái chế (recycle) gọi là 3R, mở rộng lên 5R: ngoài mấy bước trên, còn có cả từ chối (refuse) và phân hủy rác (rot). Đơn giản chỉ là tự hỏi mình có cần thêm túi nhựa khi đi mua hàng, có cần ống hút nhựa cho mỗi cốc giải khát…, vậy thôi.

Mong rằng chúng ta sẽ quan tâm đến những việc rất nhỏ nhặt để làm cuộc sống tốt lên, bảo đảm môi trường sống sạch sẽ hơn, và tự mình có thể hành động vì nó, kêu gọi người khác hành động vì nó. Thử hình dung đảo rác Thái Bình Dương (vòng xoáy rác thải ở trung tâm bắc Thái Bình Dương) đã có diện tích lớn gấp gần sáu lần nước Việt Nam với 90% rác thải là nhựa, để giật mình mà rằng tai họa có thể đến bất cứ lúc nào từ một thói quen có thể bỏ như là dùng ống hút nhựa hoặc cốc nhựa, thứ dùng một lần rồi bỏ.