Yêu làng nghề bằng công nghệ

Mang phong cách của người trẻ với hình ảnh 3D sống động, áp dụng công nghệ thực tế ảo tăng tính tương tác về các làng nghề nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về những nghệ nhân cũng như các làng nghề đang tồn tại ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, đây là hoạt động triển lãm đang gây tiếng vang do nhóm bạn trẻ “Đà Nẵng tui” thực hiện.

Các bạn trẻ xem triển lãm làng nghề dưới sự hỗ trợ của công nghệ.
Các bạn trẻ xem triển lãm làng nghề dưới sự hỗ trợ của công nghệ.

1/ Lấy các làng nghề tại Đà Nẵng và Quảng Nam làm tâm điểm, với ý tưởng xuyên suốt hành trình khám phá xuất phát từ câu nói của các nghệ nhân “cái nghề đi với cái tâm thì thành cái nghệ”, triển lãm mang tên “Nghệ” đã kể cho người xem những câu chuyện về các làng nghề truyền thống vẫn âm thầm tồn tại và chống đỡ yếu ớt bởi sức nặng của thời gian.

Bốn làng nghề gồm nước mắm Nam Ô, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà và làng chiếu Bàn Thạch đều được bố trí một khu vực riêng. Dưới sự hỗ trợ của công nghệ, khách tham quan được hòa mình vào nhịp điệu cuộc sống ngày thường của những người nông dân tái hiện qua những việc làm hằng ngày. Tại làng rau Trà Quế, buổi sáng sớm thường bắt đầu với những thùng nước tưới và bó rau gia vị tươi xanh. Còn một buổi dạo chơi, trải nghiệm xem nghề dệt tại làng chiếu Bàn Thạch, một buổi nặn đất tại làng gốm Thanh Hà hay video clip về lịch sử làng nước mắm Nam Ô đều là những mô hình thu nhỏ, lồng ghép hình ảnh, âm thanh áp dụng công nghệ thực tế ảo từ ứng dụng của điện thoại thông minh. Ngoài việc tận dụng sức mạnh của công nghệ còn có khu vực trưng bày truyền thống, với các tác phẩm tranh dân gian minh họa tục lệ của người Việt xưa về hôn nhân, tang lễ, cúng tế; các tác phẩm sắp đặt gốm; hướng dẫn kết vòng tay từ sợi chiếu hay vẽ trái cây bằng mầu nước có nguồn gốc từ rau, củ… đã thu hút một lượng lớn các bạn trẻ tham gia. 

Chăm chú nhìn những bức tranh họa lại phong tục của người Việt xưa, Trần Thị Diễm (sinh viên khoa Du lịch, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng) cho biết, trong chuyên ngành học có môn Văn hoá Việt Nam, tuy nhiên bạn ít có điều kiện đi trải nghiệm thực tế nên đã đến triển lãm để có thể khám phá thêm. “Làng rau hay làng gốm em đều đã biết, nhưng đến đây em mới hiểu thêm về chữ “Nghệ” cũng như câu chuyện gắn với mỗi người trong làng, chứ họ không đơn giản chỉ là trồng rau hay nhào đất, nặn sản phẩm để kiếm sống”, Diễm chia sẻ. 

2/ “Đà Nẵng tui” là một nhóm các bạn trẻ do Nguyễn Ngọc Thiên Hiếu (sinh năm 1997) thành lập, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng văn hóa nghệ thuật cho người trẻ thông qua hoạt động chính là triển lãm. Các sản phẩm nghệ thuật kết hợp với sáng tạo công nghệ thể hiện sự chuyển mình của những làng nghề trong thời hiện đại hóa, song vẫn giữ được những nét đẹp riêng. Nói đến ý tưởng của triển lãm lần này, Hiếu cho biết, nhóm muốn dựa vào công nghệ để tái hiện các làng nghề, giới thiệu tới công chúng sự yêu mến về những sản phẩm thủ công, thể hiện theo cách cảm nhận của những người trẻ. Để có được những sản phẩm sống động, không chỉ là những bức tranh, ảnh hay hiện vật, các bạn đã đến các làng nghề cùng sinh hoạt, làm việc và cùng chia sẻ với các nghệ nhân để có thể hiểu, hình dung và tái hiện được cái hồn của làng nghề.

Giới thiệu với khách tham quan về mô hình làng chiếu thu nhỏ của mình, Nguyễn Trương Bảo Hân (sinh năm 1999) cho biết, bạn phải mất năm tháng để dựng được ngôi nhà cấp bốn với đầy đủ các công đoạn và nguyên vật liệu hoàn chỉnh giới thiệu với người xem. Là sinh viên ngành Kiến trúc, với mục đích hoàn thành mô hình của mình, Hân đã nhiều lần tới làng chiếu Bàn Thạch quan sát kỹ quy trình phơi sợi cói, nhuộm và dệt. “Trong những ngày về tìm hiểu, nghe các cô tâm sự về mấy chục năm làm nghề của mình và nỗi lo khi không còn ai mặn mà với nghề dệt chiếu truyền thống, em lại càng quyết tâm vượt khó để làm lại mô hình này. Em mong rằng, thông qua triển lãm sẽ có nhiều người quan tâm tới các nghệ nhân và làng nghề hơn”, Bảo Hân chia sẻ.

Triển lãm không chỉ có câu chuyện của những nghệ nhân làng nghề, mà còn là câu chuyện đầy ẩn ý của những người trẻ. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, thủ công và công nghệ, thông điệp mà nhóm “Đà Nẵng tui” muốn gửi gắm là bản sắc văn hoá vẫn tồn tại trong lòng mọi người bất chấp thời gian. Với những người trẻ, hiện đại như Hiếu, Hân hay các bạn khác, họ yêu và thể hiện nét đẹp làng nghề theo cách riêng của mình.