Vượt qua thử thách

Cả nước đang bước vào hai tuần quyết định để ngăn chặn đại dịch. Mọi người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà, nên với nhiều bạn trẻ độc thân, xa nhà đang học và làm việc ở TP Đà Nẵng, đó là một thử thách không nhỏ. Thời Nay đã tìm hiểu và thấy rằng, phần lớn trong số họ đều gặp một số khó khăn nhất định, nhưng trên hết vẫn thái độ “bình tĩnh sống”.

Khó khăn đang thử thách bản lĩnh của những bạn trẻ. Ảnh: SONG SONG
Khó khăn đang thử thách bản lĩnh của những bạn trẻ. Ảnh: SONG SONG

Câu trả lời chung của họ xuất phát từ việc các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, chợ... đều không đóng cửa, nên vẫn mua được từ gạo đến phở, từ trái cây đến rau củ quả, từ dao cạo râu cho đến các loại mỹ phẩm và đồ uống. Võ Văn Tuyến (quê Ninh Bình), thuê trọ trên đường Trần Quý Cáp cho biết: “Tôi là lập trình viên. Từ tuần trước đã làm việc ở nhà. Trong phòng chỉ có một cái ấm siêu tốc để pha cà-phê, pha trà hằng ngày nhưng mấy hôm nay đã biến thành “nồi” vì có thể luộc trứng, luộc su su, nấu nước sôi pha mì tôm hay phở ăn liền”.

Để bổ sung chất xơ thì giải pháp của nhiều bạn trẻ là mua trái cây ăn thay rau, như các loại dưa chuột, xoài xanh, táo, ổi... Ngoài ra, các cửa hàng bánh mì vẫn bán để mang về nhà, hàng cơm mua mang về phòng hoặc “ship” qua điện thoại nên không nhiều bạn quá lo lắng. Một số khác thì đi siêu thị sắm sửa các đồ dùng thiết yếu phục vụ việc tự nấu những món đơn giản trong hai tuần hạn chế ra đường.

Trần Văn Hải, quê Quảng Bình, ở trọ tại số nhà 20, đường Ba Đình, cho biết: “Mẹ đã gọi điện nhắc nhở nấu ăn tại nhà thay vì hàng quán như trước nên tôi đã sắm sửa một số thứ như nồi cơm điện, bếp từ mi-ni, mì, bún khô, gạo, muối, mắm... tự nấu bữa ăn cho mình. Căn phòng trọ chỉ có 15 m2 nhưng hiện nay là khu “đa chức năng”, vì vừa là nơi làm việc, phòng ngủ và bây giờ lại thêm “gian bếp”. Mọi thứ tuy hơi chật nhưng xếp đặt gọn thì mọi chuyện vẫn ổn”.

Với Nguyễn Lan Phương, hiện làm việc tại Bến Thành Tourist thì hai tuần làm việc ở nhà là quãng thời gian để Phương tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, còn sau đó là cơ hội để lau chùi, dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc cho toàn bộ căn nhà. “Những ngày sắp tới được dự báo là vô cùng gian nan, nhưng tôi tin các cấp chính quyền đang làm hết sức mình để sớm hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh”, Lan Phương tự tin.

Một số bạn trẻ đã sớm có sự chuẩn bị cho việc hai tuần ở nhà bằng cách tìm những việc làm online phù hợp. “Do dịch bệnh, số lượng việc bán thời gian không nhiều nên tôi kiếm những công việc có thể làm tại nhà. Chẳng hạn như các việc liên quan đến dịch thuật, quản lý website hay bán hàng trực tuyến. Đây là những việc có thể làm bất cứ lúc nào, chỉ cần có máy tính và internet là được”, Phương Anh, nhân viên khách sạn, trọ tại đường Lê Văn Linh cho biết. “Một số bạn bè tôi thì tranh thủ thời gian nghỉ này để giảm cân, đọc sách, xem phim nhiều hơn vì ai cũng nhận thức được rằng có sức khỏe, kiến thức thì sẽ đề kháng được virus. Không phải chủ quan, nhưng tôi cho rằng tư duy tích cực là điều vô cùng quan trọng trong thời điểm này, càng bi quan thì cơ thể sẽ càng suy yếu, càng dễ bệnh”, Lan Phương nói về giải pháp của bạn bè cô trong hai tuần ở nhà.

Tuy nhiên, với một số khác thì lại nhiều ưu tư, khi hai tháng qua công việc, thu nhập giảm, cuộc sống gần như chạm vào sự khó khăn vì không đủ tiền cho sinh hoạt, tiền nhà. Mong muốn lớn nhất của họ là được chủ trọ giảm bớt chi phí tiền thuê nhà. “Tôi đã có nồi cơm điện, có gạo, cũng có hai lọ mắm cá nhưng phải tiết kiệm tiền ăn, tiền điện trong dịp này. Hiện tôi và mấy anh chị trong khu trọ đang kiến nghị với chủ nhà để xin giảm tiền thuê. Hy vọng họ sẽ giảm đôi chút”, anh Nguyễn Văn Hợp, từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng làm việc cho hay.

Rất nhiều khó khăn đang thử thách bản lĩnh của những bạn trẻ. Nhiều người cho hay câu chuyện của bố mẹ, chú, bác, cô, dì đi học thời bao cấp, với nồi cơm nấu bằng bếp củi, bếp dầu, hai quả cà chua hấp dằm muối vẫn... cười trong gian khó trước đây, khi nghe kể chưa hiểu lắm thì nay đã thấu. Dịch bệnh là điều không ai muốn, việc ngồi yên tại nhà và “bình tĩnh sống” chính là lời nhắn gửi tới gia đình của những người ở xa rằng, đừng quá lo lắng vì họ vẫn ổn.