Tranh tuyên truyền từ nút áo

Gom nút áo tồn kho tại nhiều cơ sở, thậm chí là nút và đồ trang trí phế thải cộng thêm chút ý tưởng sáng tạo, chút lắp đặt khéo léo và nhiều ngày kiên trì, gần hai năm nay, chàng trai 27 tuổi Nguyễn Phước Quý Thành (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đã tạo nên khoảng 100 bức tranh sống động. Không chỉ đẹp về đường nét, ấn tượng trong cách phối mầu, tranh nút của Thành còn truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa.

Quý Thành bên các tác phẩm nghệ thuật làm từ chiếc nút áo.
Quý Thành bên các tác phẩm nghệ thuật làm từ chiếc nút áo.

Chàng kỹ sư mê… nút

Tốt nghiệp ngành Công nghệ Hóa học, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Quý Thành bắt đầu công việc của một kỹ sư tại công ty lụa và in công nghiệp. Công việc đòi hỏi tương tác liên tục với bảng mầu, Thành mê các sắc đậm nhạt lúc nào không hay. Trong lúc cùng người bạn vào tiệm tạp hóa ven đường và vô tình thấy dòng chữ “Mấy cái nút áo có thể làm nên một bức tranh”, Thành tự hỏi có nên làm gì đó bứt phá bản thân hay cứ tiếp tục đi làm đều đều cuối tháng nhận lương. “Ngay khi nhìn thấy những hạt nút nhiều mầu sắc tại cửa hàng, trong đầu tôi nảy ra ý tưởng cần làm gì đó cho chúng đẹp và ý nghĩa hơn. Tối hôm ấy, tôi lên mạng tìm hiểu về các mẫu tranh nút mà bạn bè quốc tế đã làm để lấy cảm hứng. Ba tháng sau, khi tự tay làm được những bức tranh nút tái chế đầu tiên, tôi xin nghỉ việc để bắt đầu thực hiện ước mơ”, Thành nhớ lại.

Sau gần sáu tháng tự mày mò cách phác thảo, làm tranh nút, Thành chụp hình sản phẩm hoàn thiện rồi chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. Thế nhưng chẳng ai quan tâm, có người còn chê xấu. Gia đình cũng nhiều lần tạo áp lực vì cho rằng Thành đang bỏ công việc ổn định để đi theo trò chơi vô bổ, phù phiếm. Thay vì buồn rầu rồi bỏ cuộc, Thành chọn cách lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người và chăm chút nhiều hơn cho những bức tranh tiếp theo. Tranh đẹp dần lên, Thành đem tặng bạn bè, người thân. Sau đó, nhiều người tìm mua tranh nút của Thành hoặc đặt làm theo yêu cầu. Lúc bấy giờ, Thành bắt đầu có thu nhập.

Tranh của Thành nhiều chủ đề cho mọi độ tuổi nhưng luôn hướng tới sự lạc quan và niềm vui trong cuộc sống. Nhận thấy ngày càng nhiều người quan tâm, thích thú với tranh nút do mình làm ra, Thành vui lắm: “Nhiều lúc làm xong thấy xấu tôi tháo ra làm lại, chỉnh sửa đến khi nào vừa ý mới thôi. Có bức làm một tuần, bức vài tháng mới xong. Tranh tôi tặng mọi người luôn truyền tải thông điệp nào đó, khi là cảnh báo về sự xuống cấp của môi trường, lúc nói về sự sống, niềm tin. Điều tôi muốn mọi người hướng đến là sử dụng đồ nhựa một cách đúng đắn và tìm cách tái chế rác thải nhựa. Đó là cách thiết thực để bảo vệ môi trường”.

Chia sẻ thương yêu trong cộng đồng

Việc kinh doanh trên trang điện tử vừa đi vào ổn định thì dịch Covid-19 bùng phát. Mỗi ngày theo dõi thông tin các nơi, Thành cảm phục sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, những người trong tuyến đầu chống dịch. Thành tự nhận mình sức khỏe yếu không thể tham gia công tác tình nguyện trong mùa dịch, nhưng vẫn muốn làm gì đó bù đắp tinh thần cho những “thiên thần áo trắng”. Sau nhiều ngày liền lên ý tưởng và khẩn trương thực hiện, đến nay “chàng trai mê nút” đã dành tặng các bức tranh theo chủ đề chống dịch cho đội ngũ y, bác sĩ tại ba cơ sở y tế ở TP Hồ Chí Minh, là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện 115. “Không đủ chuyên môn để điều chế thuốc, không đủ kỹ năng để phụ giúp các y tá nên tôi chọn cách làm tranh nút, thế mạnh của mình. Những bức tranh mang thông điệp rõ ràng này hy vọng là món quà tinh thần giúp các y, bác sĩ vượt qua khó khăn, giành chiến thắng trong “cuộc chiến” với dịch bệnh”, Thành cho hay.

Những bức tranh có chủ đề phòng, chống dịch của Thành ngay khi xuất hiện trên mạng xã hội đã tạo được sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng. Sau nút áo, những khối rubik, nút chai, bút chì và rác thải nhựa đang là những chất liệu mà Thành muốn hướng tới. Thành nói rằng, khi mình tạo ra được sản phẩm đẹp từ những thứ tưởng chừng bỏ đi, thông điệp bảo vệ môi trường sẽ được lan tỏa mạnh mẽ nhất. Chàng trai này cũng đang ấp ủ ý tưởng mở một lớp học nhỏ dạy trẻ em làm tranh bằng nút áo và rác thải nhựa nhằm chung tay nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.