Thầy hiệu trưởng thích... lắng nghe

Mỗi sáng thầy Phú đều đến sớm, vui vẻ đứng trước cổng trường chào học sinh (HS), phụ huynh (PH). Khi tiếng trống hết giờ vang lên, thầy lại ra cổng sau để tiễn học trò với nụ cười tươi. Không chỉ tạo nên văn hóa chào hỏi trong trường, thầy còn khởi xướng nhiều hoạt động chuyên môn, ngoại khóa sáng tạo khiến cả GV và HS hào hứng tham gia.

Thầy Huỳnh Thanh Phú và các học sinh Trường THPT Nguyễn Du.
Thầy Huỳnh Thanh Phú và các học sinh Trường THPT Nguyễn Du.

Giáo dục bằng tình thương yêu

Chưa bao giờ la mắng, cáu gắt hay áp dụng biện pháp kỷ luật khắt khe, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP Hồ Chí Minh) chọn cách giáo dục gần gũi theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Thay vì bắt HS phải cúi đầu chào hay giữ khoảng cách, thầy chọn cách thăm hỏi mỗi khi gặp học sinh. “Từ ngày về trường đến nay cũng bốn năm, chưa bao giờ tôi đứng đợi HS hay GV, nhân viên (NV) chào mình. Mỗi ngày tôi đều dành thời gian đón, tiễn và chào hỏi các em. Tôi cũng yêu cầu các GV khác làm vậy. Giờ thành nếp, cứ hễ gặp nhau là trò cúi đầu chào thầy, cô và GV cũng vậy”, thầy Phú cho hay.

Không chỉ chào hỏi, điều khiến HS trong trường bất ngờ hơn chính là cách thầy quan tâm, chia sẻ và động viên các em. Là Hiệu trưởng, bận rộn với công tác quản lý nhưng chỉ cần đọc được tin nhắn nhờ giúp đỡ của HS hay PH trên Fanpage, thầy Phú liền dành thời gian tìm hiểu ngọn nguồn sự việc để giải quyết rốt ráo. GV, NV nào gặp khó khăn, thầy tìm cách hỗ trợ ngay. Trên “ngôi nhà thứ hai đó”, thầy còn thường xuyên đăng tải những thông tin mới về giáo dục, những câu chuyện hay về đạo làm người, đối nhân xử thế để mọi người tham khảo.

Đến nay, trang Fanpage hoạt động 24/7 này đã có hơn 3.000 lượt yêu thích và rất nhiều lượt truy cập mỗi ngày. Việc tận dụng được tính năng kết nối, lan tỏa của mạng xã hội đã giúp thầy thêm hiểu tâm lý HS để có hướng giáo dục hiệu quả nhất. Tôn trọng ý kiến phản biện, luôn trong tâm thế lắng nghe, sẻ chia, thầy Phú đã tạo được cho các em HS một môi trường giáo dục thân thiện và an toàn.

Muốn HS trở thành người tử tế

Thời gian về quản lý chưa lâu nhưng thầy Huỳnh Thanh Phú đã tạo nên diện mạo mới từ chất lượng giáo dục đến hoạt động ngoại khóa cho trường. Cô Nguyễn Thị Hoa Hồng, GV bộ môn Vật lý phấn khởi khoe: “Từ ngày thầy về trường sinh động hẳn, HS ngoan hơn, giỏi và tích cực tham gia các hoạt động. Bản thân GV cũng vậy, thay đổi mỗi ngày”.

Là người khởi xướng rất nhiều hoạt động và đặt ra hàng loạt yêu cầu trong việc thay đổi phương pháp dạy - học, thế nhưng, điều khiến HS và đội ngũ GV ấn tượng nhất vẫn là cách thầy Phú truyền cảm hứng sống. Cách đây không lâu, thầy đã cho sửa lại bốn dãy lớp học trong trường và đặt tên là Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma và Biển Đông, thay vì ký hiệu A, B, C, D như trước kia. “Các em HS sẽ có 1.000 ngày theo học tại ngôi trường này. Mỗi ngày các em đều thấy bốn cái tên này như lời nhắc nhở về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi muốn tác động đến tâm hồn HS từ những điều giản dị”, thầy Phú vui vẻ nói.

Mỗi tuần, trong giờ sinh hoạt dưới cờ, thầy Hiệu trưởng lại nói về một chuyên đề gần gũi trong cuộc sống. Đó là những câu chuyện về lòng yêu nước, tình mẫu tử, cách đối nhân xử thế, cách giải quyết khủng hoảng trong cuộc sống, luật nhân quả hay những điều cần biết khi thể hiện bản thân trên mạng xã hội… Có những buổi nói chuyện khiến HS rưng rưng nước mắt, đã tác động, làm thay đổi hành vi của các em, giúp nhiều bạn trẻ mở lòng hơn với người thân, gia đình.

Với Lê Duy, HS lớp 12A3, những buổi ngồi dưới sân nghe thầy Hiệu trưởng nói về tình mẫu tử, Duy chợt nhận ra bấy lâu nay mình chưa yêu thương cha mẹ hết mình. Từ hôm đó, cậu trò thay đổi hẳn. “Những câu chuyện ý nghĩa của thầy giúp chúng em nhìn lại chính mình để thấy bản thân mạnh ở đâu, yếu điểm nào mà hoàn thiện mỗi ngày. Thầy rất hiểu tâm lý giới trẻ và chia sẻ những điều mà tụi em cần được giúp sức”, Duy chia sẻ.

Không “đao to búa lớn”, không máy móc rập khuôn, mỗi ngày trôi qua, thầy Huỳnh Thanh Phú chọn cách gieo một mầm cây mang tên “nhân cách”. Bằng lòng thương yêu của người GV, thầy tận tụy dưỡng nuôi những mầm cây đó với mong muốn những thế hệ HS không chỉ giỏi mà còn trưởng thành, nhân ái hơn.