Thay đổi trong đào tạo đại học

Trước sự thay đổi nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nhiều thách thức đối với giáo dục đại học (GDĐH) đang được đặt ra, đó là giải quyết việc làm sau đào tạo, là sinh viên sẽ chọn học ngành nào cho phù hợp và người có bằng cấp nên ứng xử như thế nào với công việc và cộng sự?

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đăng ký tham gia ngày hội việc làm công nghệ. Ảnh: HẢI NAM
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đăng ký tham gia ngày hội việc làm công nghệ. Ảnh: HẢI NAM

1/ Theo dự báo của tổ chức tư vấn toàn cầu McKinsey, đến năm 2030, 70% số công ty khắp thế giới sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đến năm 2030, tỷ lệ tự động hóa đối với tất cả công việc ở Mỹ sẽ là 38%, Nhật Bản 24%, Hàn Quốc 22% và trung bình ở các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 14%. Điều này có nghĩa nhiều việc làm sẽ được tự động hóa, robot hóa, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Do đó, các yếu tố và vấn đề đặt ra đối với GDĐH trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 gồm:

Yếu tố thứ nhất là tốc độ thay đổi diễn ra nhanh hơn so ba cuộc CMCN trước. Chẳng hạn như để đạt con số 50 triệu người dùng thì điện thoại bàn cần 75 năm, tivi cần 25 năm, trong khi phần mềm Wechat cần một năm, còn trò chơi Pokemon Go chỉ cần đúng 19 ngày. Yếu tố thứ hai là xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến. Công nghệ 5G trên điện thoại di động giúp con người không chỉ giao tiếp bằng lời nói và chữ viết như trước. Giờ đây, mọi người dành nhiều thời gian giao tiếp qua mạng xã hội, với thiết bị di động, với robot. Yếu tố thứ ba là xuất hiện những câu hỏi mới chưa có trong quá khứ, chưa có trong ba cuộc CMCN trước. Một trong số những câu hỏi đó là khả năng bị thay đổi của con người về hành vi, cảm xúc, nhân cách... trước sự gia tăng ứng dụng của AI, của tiến trình tự động hóa.

Theo PGS, TS Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trong cả ba cuộc cách mạng trước, nhiều triệu việc làm đã bị biến mất. Ông Quân nêu thí dụ: “Với khả năng của máy in 3D, Công ty ICON (Mỹ) đã phát triển phương pháp in ngôi nhà một tầng diện tích khoảng 60 m2 bằng chất liệu xi-măng chỉ từ 12 đến 24 giờ. Nếu mô hình này được nhân rộng thì trong tương lai, nghề phụ hồ, thậm chí là kỹ sư xây dựng sẽ như thế nào? Hay Công ty Adidas sử dụng robot tự động hóa đã rút ngắn quy trình hoàn thiện sản phẩm từ năm ngày xuống còn năm giờ và an ninh mạng, grabber là những nghề nghiệp mới xuất hiện”.

2/ Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học trong khu vực Đông - Nam Á tổ chức năm 2018 ở Brunei, từ khóa được nhắc nhiều là “tích hợp”. Đó là sự tích hợp nội dung, chuyển từ đào tạo đơn ngành sang hướng đào tạo đa ngành, cân bằng giữa khoa học - công nghệ và khoa học xã hội. Cùng với đó là tích hợp lý thuyết và thực tiễn, khuyến khích phương pháp học chủ động, học bằng trải nghiệm cũng như tích hợp công nghệ với nội dung và phương pháp giảng dạy. Tại đây, ĐHQG Singapore đã đề xuất năm giá trị cốt lõi của người tốt nghiệp đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các giá trị này được hội nghị thống nhất cao, gồm: Có kiến thức toàn diện và liên ngành, thay vì chỉ đào tạo đơn ngành như trước; có kiến thức về hội nhập quốc tế, các giá trị đa văn hóa và có kỹ năng ngoại ngữ; có trải nghiệm thực tiễn thông qua đào tạo gắn kết với doanh nghiệp; có nền tảng tự phát triển lâu dài thông qua khả năng tự học, học tập suốt đời; có tinh thần 
khởi nghiệp.

Theo đại diện các trường đại học trong khu vực, để đáp ứng nhu cầu mới, các phẩm chất sinh viên cần trang bị để đáp ứng thay đổi là: “Tầm nhìn” giúp định hướng nghề nghiệp và mục tiêu dài hạn; “Tâm thế mở” giúp hiểu và tự tin khám phá, thử thách năng lực của chính mình; “Quy tắc 10.000 giờ” để kiên trì học tập, rèn luyện, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đã chọn; “Xây dựng mối quan hệ” để có thể hỗ trợ nhau đi xa hơn trong sự nghiệp. Cuối cùng, các mục tiêu cần được đặt trong một kế hoạch hành động cụ thể để đạt được mục tiêu lớn hơn.

Nhìn về những năm tới, PGS, TS Vũ Hải Quân khẳng định, nếu đào tạo được đội ngũ sinh viên có phẩm chất và năng lực thì mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại là hoàn toàn khả thi.