Sẵn sàng làm chủ công nghệ

Công nghệ hiện hữu trên mọi lĩnh vực và ai sở hữu công nghệ, người đó chiến thắng. Thế hệ Z (những người trong độ tuổi từ 1996 - 2002) sẽ phải tự trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức công nghệ để gia tăng sự cạnh tranh cho bản thân ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường. Đó là lời khuyên của các diễn giả dành cho nhiều bạn trẻ tại sự kiện “Chào tân sinh viên 2019” vừa diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Các tân sinh viên hào hứng xin chữ ký khách mời tại buổi trò chuyện.
Các tân sinh viên hào hứng xin chữ ký khách mời tại buổi trò chuyện.

Mang tới cho các tân sinh viên một bức tranh toàn cảnh về sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường việc làm trong tương lai gần, đặc biệt là ưu thế của nguồn lực có kiến thức và có khả năng sử dụng công nghệ. Với chủ đề “Z - Thế hệ làm chủ công nghệ”, các câu hỏi đã phần nào được giải đáp qua những câu chuyện, chia sẻ từ các thầy, cô giáo, diễn giả trẻ tài năng cùng 500 tân sinh viên của các trường nhằm giúp sinh viên chủ động trang bị thêm những kiến thức về công nghệ, từ đó mở ra nhiều cơ hội hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Số liệu thống kê cho thấy, công nghệ hiện hữu trên mọi lĩnh vực, thậm chí đang dần thay thế con người trên thị trường lao động. Trong một báo cáo mới nhất do tổ chức Brookings Institution công bố vào đầu năm 2019, khoảng một phần tư lực lượng lao động tại Mỹ có thể bị thay thế bằng robot tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2030, với khoảng 36 triệu việc làm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cảnh báo với chính phủ các nước về việc tự động hóa, robot và toàn cầu hóa có thể xóa sổ gần một nửa số công việc trong 20 năm tới. Trong đó, nhóm những người lao động trẻ, có tay nghề thấp, làm bán thời gian và ngắn hạn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại buổi trò chuyện, theo diễn giả trẻ Đinh Trường Giang, một “Z-er” xuất sắc của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, người vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Việt - Đức 2019” với nhiều phát minh ấn tượng, có thể kể đến như thiết bị chống ngủ gật cho người lái ô-tô, robot leo tường, xe tự hành và hiện là kỹ sư phần mềm tại Viện Hàng không vũ trụ Viettel, thì bốn yếu tố giúp các “Z-er” trở thành công dân toàn cầu sẽ gồm: Khả năng ứng dụng công nghệ, khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ, kỹ năng mềm và sự tích lũy kinh nghiệm từ thực tế.

“Ở thời đại mà robot đang thay thế hàng trăm nghìn lao động mỗi năm, sẽ là ai khi bước ra thế giới nếu không chủ động nắm bắt xu hướng, không chủ động tiếp cận tri thức? Không một giáo trình, tài liệu nào cập nhật kịp thời những xu hướng phát triển mới ở ngoài kia và môi trường cạnh tranh gay gắt không có chỗ cho những tư duy cũ. Ở mọi ngành nghề, sự cạnh tranh giữa người với người, giữa người với robot đòi hỏi chúng ta ngày càng phải “khôn” hơn, nhiều kỹ năng hơn, tích lũy tri thức ở tầm cao hơn, đặc biệt về công nghệ và ngôn ngữ. Nếu muốn làm chủ vận mệnh, chúng ta phải tự học suốt cuộc đời, đồng thời, phải biết kết nối và không ngại thất bại”, Trường Giang bày tỏ quan điểm.

Nếu như Trường Giang truyền cho tân sinh viên bầu nhiệt huyết chủ động nắm bắt công nghệ để làm chủ tương lai thì diễn giả Lê Công Thành, người từng gây tiếng vang với trang tìm kiếm LietSi.com, một dự án phi lợi nhuận hỗ trợ các gia đình tìm mộ liệt sĩ và hiện là CEO của start-up Infore Technology, lại cung cấp cho các tân sinh viên một bức tranh tổng quát. Anh Thành cho rằng, để thành công bạn phải có khả năng sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Anh Thành chia sẻ, 80% phần mềm chúng ta đang sử dụng là do người nước ngoài cung cấp. Có nghĩa là họ đang ghi nhận lại toàn bộ dữ liệu. Họ đang hiểu ta hơn cả chính bản thân chúng ta và rồi đến lúc họ sẽ điều phối hành vi chúng ta thông qua internet.

Theo anh Thành, các start-up công nghệ Việt ngày càng khẳng định tầm quan trọng của mình trong giải quyết các vấn đề xã hội và cần được khuyến khích tích cực để họ có cơ hội mở rộng “bờ cõi” 4.0. Vì vậy, thế hệ Z hãy sẵn sàng cho cuộc “cách mạng” này và chuẩn bị những hành trang biến công nghệ trở thành công cụ hiện thực hóa ước mơ của mình. “Để bảo vệ “bờ cõi” 4.0, bạn cần phải giải phóng dữ liệu bằng cách ủng hộ cho những phần mềm của Việt Nam. Cần phải học tập, làm chủ công nghệ, nỗ lực tìm hiểu nhu cầu thực tiễn trong xã hội để phát minh thật nhiều. Chỉ khi phát minh, sáng chế thật nhiều phần mềm Việt Nam, giữ được dữ liệu trong tay người Việt thì mới tạm gọi bạn đang làm chủ công nghệ ”, anh Thành đưa ra lời khuyên.