Những điểm sáng khởi nghiệp

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cùng sự hỗ trợ và tiếp sức của chính quyền địa phương, sự đồng hành của ngành khoa học - công nghệ, nhiều dự án khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành công, giành nhiều giải thưởng và trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ.

Nhóm tác giả giới thiệu hệ thống tưới bù áp Asop đang được nông dân nhiều địa phương đón nhận.
Nhóm tác giả giới thiệu hệ thống tưới bù áp Asop đang được nông dân nhiều địa phương đón nhận.

1/ Sau một thời gian nghiên cứu, nhận thấy việc bơm tưới ở những khu vực có địa hình không bằng phẳng, có độ dốc cao thường khá khó khăn, nhiều nơi nước tưới không thể bơm tới được bởi áp lực yếu, anh Nguyễn Ngọc Hiển và các cộng sự đã mày mò nghiên cứu, chế tạo và sản xuất thành công hệ thống tưới bù áp để đưa nước đi xa hơn. Sau thời gian thử nghiệm tại nhiều vùng địa hình khác nhau rồi đưa ra thị trường, hệ thống tưới bù áp được bà con nông dân không chỉ trên địa bàn tỉnh mà nhiều địa phương khác, đặc biệt là bà con nông dân ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đón nhận tích cực. Cũng trong năm 2017, anh Hiển và các cộng sự thành lập Công ty TNHH Công nghệ tưới Asop (gọi tắt là Asop) tại xã Bình Giã, huyện Châu Đức. Anh Hiển tiết lộ: “Sản phẩm sau khi ra đời được thị trường đón nhận và đánh giá cao, bởi địa hình nước ta khá nhiều đồi núi, các vùng canh tác cây lâu năm hầu hết ở những khu vực không bằng phẳng, rất khó khăn trong việc tưới tiêu. Công nghệ tưới bù áp của công ty đã hóa giải được những khó khăn này”. Năm 2018, hệ thống tưới bù áp của Asop được Bộ Công thương bình chọn là sản phẩm công nghệ nông thôn tiêu biểu khu vực phía nam. Năm 2019 vươn lên trở thành một trong bốn sản phẩm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được bình chọn là sản phẩm công nghệ nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Đoạt giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2019”, dự án “Máy lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu cá” của ThS Trần Thái Sơn nhanh chóng được bà con ngư dân đón nhận. “Các tàu đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề nước sinh hoạt. Khi ra khơi, mỗi tàu cá chỉ chở kèm theo được từ 4 m3 - 6 m3 nước ngọt để phục vụ sinh hoạt cho khoảng 10 thuyền viên. Khi hết nước, hầu như các ngư dân này đều phải cho tàu vào bờ hay vào các đảo để tiếp thêm. Như vậy vừa làm giảm năng suất đánh bắt, vừa tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu”, anh Sơn cho biết. Đúc rút những kiến thức đã theo học tại châu Âu cũng như thực tế tìm hiểu tại các tàu cá ở trong nước, anh Sơn đã quyết định nghiên cứu hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt. “Công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt đã có từ lâu trên thế giới. Hiện có rất nhiều chủng loại máy của các hãng khác nhau được bán trên thị trường. Tuy nhiên, các dòng máy này khi lắp ráp vào tàu đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam thường không phù hợp bởi sự phức tạp, cồng kềnh. Để khắc phục nhược điểm này, nhóm đã nghiên cứu và cải tiến hàng loạt chi tiết và cơ bản khắc phục được những bất cập phát sinh do đặc thù khai thác thủy hải sản của bà con ngư dân trong nước”, anh Sơn chia sẻ.

2/ Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Mai Thanh Quang cho biết, những kết quả hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thời gian qua đã tạo phong trào khởi nghiệp rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp với sản phẩm tốt, đã có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ tham gia khởi nghiệp. Ngày 14-11 vừa qua, tỉnh đã tổ chức hội thảo xúc tiến thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhằm mục đích hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, giúp DN tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh; hỗ trợ ươm tạo và phát triển các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mục tiêu đến năm 2025 Trung tâm này sẽ hỗ trợ ít nhất 500 lượt DN thực hiện các hoạt động liên quan đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang nghiên cứu, xúc tiến tổ chức các chương trình hỗ trợ các dự án khởi nghiệp như cà-phê khởi nghiệp, CLB khởi nghiệp... Đồng thời, tăng cường các giải pháp nhằm kết nối nguồn lực từ Nhà nước, các trường đại học và tổ chức giáo dục cũng như nguồn lực từ các quỹ, tổ chức tài chính, nhà đầu tư, DN để tạo nên phong trào khởi nghiệp rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực.