Những “bác sĩ” dưới biển sâu

Một nhóm bạn trẻ đang sinh sống tại Đà Nẵng đều đặn mỗi tuần ba lần lặn xuống biển để chăm sóc, bảo vệ các rạn san hô. Họ làm việc lặng thầm và hoàn toàn tình nguyện với mong muốn bảo tồn các loài san hô trước những tác động xấu của con người và môi trường.

Thành viên nhóm đang gắn xương san hô vào khung giá thể.
Thành viên nhóm đang gắn xương san hô vào khung giá thể.

Lặn biển trồng san hô

Nhóm Cứu hộ sinh vật biển (gọi tắt là SASA) với 10 thành viên, mang theo đá khối, lồng sắt (còn gọi là giá thể sắt để san hô bám vào) đồ lặn, vật dụng cá nhân đi bộ từ sườn núi Sơn Trà xuống bãi Nam. Tại đây, một số bạn gắn xương san hô đã chết vào giá thể, tấm lưới để lúc bỏ xuống biển, mầm san hô bám vào phát triển. Vài bạn khác có khả năng lặn tốt, lặn xuống đáy biển thu nhặt những mảnh san hô bị giẫm đạp, gãy nhưng còn sống đưa lên bờ gắn vào đá khối rồi lại đưa xuống biển. Mỗi lần như vậy, các bạn làm việc liên tục từ sáu đến tám giờ đồng hồ dưới nước.

Anh Lê Chiến (1984), Trưởng nhóm cho biết, công việc của anh nhiều năm nay là đi dọc các bờ biển miền trung quay phim, chụp ảnh, ghi nhận tình hình “sức khỏe” của những rạn san hô. Chứng kiến những tác động mạnh mẽ của con người khiến môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng sự sinh trưởng của san hô nên anh quyết định sẽ tự mình... giải cứu. Từ suy nghĩ đến hành động, may mắn anh đã gặp nhiều bạn trẻ cùng ý nguyện. Họ đã liên kết với nhau, tạo thành nhóm hoạt động.

San hô phát triển khá chậm, mỗi dãy san hô tồn tại có thể mất đến cả trăm năm kiến tạo. Tìm hiểu những dự án bảo vệ san hô từ khắp nơi, anh Chiến quyết định làm những bàn dưỡng và giá thể để gắn những nhánh san hô gãy với mục đích khôi phục, phát triển. Mỗi giá thể như vậy nặng gần hai tấn và có thể chịu được từ 20 - 50 năm nằm dưới đáy biển. Trong hai năm qua, nhóm đã đặt được tám bàn dưỡng và hai giá thể xuống biển để nuôi dưỡng, chăm sóc san hô. Ngoài ra, các bạn còn thường xuyên thu nhặt rác, ngư lưới cụ để không gây tác động xấu đến sự phát triển của san hô.

Đào Quang Anh (1988), tham gia cùng nhóm thực hiện các công việc hàn, lắp ghép, gắn san hô và lặn đặt giá thể đã nhiều tháng nay, chia sẻ: “Chúng tôi có mối quan tâm chung về môi trường biển nên cùng góp sức mình”. Cùng suy nghĩ với các bạn, anh Christoppher Reeves là giáo viên dạy tiếng Anh ở Đà Nẵng cũng tham gia. “Tôi yêu biển nên muốn được phục vụ đại dương”, Reeves cười cho biết.

Nối dài những cánh tay

Ngoài công việc gắn các bàn dưỡng và giá thể xuống biển, nhóm còn tổ chức thành công một lớp hướng dẫn bơi, lặn dưới biển cho 30 người trong một tuần. Những người này sau khi hoàn thành khóa học đã tình nguyện liên kết với nhóm trong việc tuyên truyền để nhiều người dân Đà Nẵng hiểu hơn nữa việc chung tay bảo vệ biển.

Đà Nẵng sắp bước vào mùa mưa, mùa biển động sẽ rất khó để xuống biển chăm sóc và bảo vệ san hô, nên tranh thủ lúc này, cả nhóm đang cố gắng hết sức để có thể đặt được nhiều bàn dưỡng hơn. “Mùa mưa cũng đồng nghĩa lượng khách du lịch giảm bớt nên sẽ có ít tác động hơn đến những rạn san hô. Bọn mình hy vọng khoảng thời gian đó sẽ là cơ hội vàng để san hô tại các bàn dưỡng lớn lên và phát triển thuận lợi”, anh Chiến nói.

Anh Chiến cho biết, thời gian sắp tới, khi việc xuống biển giảm bớt do thời tiết không thuận lợi, nhóm sẽ tranh thủ thực hiện các buổi tuyên truyền, truyền thông đến với người dân Đà Nẵng về lợi ích của san hô và những nguy hại từ sự tác động của con người. Ngoài ra, nhóm đang có ý định liên kết với Ban quản lý bán đảo Sơn Trà, các bãi biển ở Đà Nẵng, các công ty du lịch lữ hành cùng những ngư dân tham gia chở khách đi lặn, ngắm san hô trong việc phổ biến các kiến thức về sinh vật biển cũng như phối hợp để khai thác du lịch theo chiều hướng bảo tồn.

“Đó là kế hoạch trong năm nay, còn lâu hơn nữa, tôi muốn mỗi tỉnh miền trung có biển đều sẽ có một nhóm cứu hộ san hô như thế này. Việc phát triển du lịch biển là cần thiết, nhưng những hành động của con người, dù vô tình hay cố ý, gây nguy hại cho san hô là điều không nên. Trong khi chờ đợi sự thấu hiểu, chúng tôi tình nguyện là những “bác sĩ” dưới biển sâu để san hô ngày ngày vẫn có thể phát triển”, anh Lê Chiến tâm sự.