Muốn học sinh không bỏ phí kiến thức

Từ một giáo viên thích dạy theo kiểu truyền thống, ngày nọ khi nghe một học sinh (HS) trong lớp thắc mắc: “Cô ơi, mình học cái này ra mai mốt làm gì?”, Ths Nguyễn Trần Quỳnh Phương (Tổ Hóa học, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chợt nhận thấy mình cần thay đổi. Vượt qua những trở ngại ban đầu, cô mày mò nghiên cứu, khơi gợi nhiều dự án giúp các em không chỉ thấy môn Hóa thú vị mà còn tạo cơ hội để các em ứng dụng kiến thức vào thực tế. Thời Nay có cuộc trao đổi ý kiến với “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh năm 2020” Nguyễn Trần Quỳnh Phương (trong ảnh) để nghe cô chia sẻ về hành trình truyền cảm hứng cho người học.

Muốn học sinh không bỏ phí kiến thức

Phóng viên (PV): Thay đổi cách dạy chưa bao giờ là dễ dàng, vì ngay bản thân giáo viên và HS sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Tại sao cô chọn đường khó để đi?

Cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương (NTQP): Trước kia, tôi toàn đánh giá HS qua điểm số và ra rất nhiều bài tập, vì nghĩ rằng như vậy các em sẽ giỏi hơn. Các lớp tôi dạy nhiều em đạt điểm cao nhưng các em rất áp lực. Tôi biết các em sợ đến tiết của mình, sợ cả cách mình đánh giá. Nhưng bây giờ khác rồi, tôi có cách nhìn và đánh giá khách quan hơn. Nhờ việc triển khai dạy học theo dự án mà mấy năm trở lại đây, tôi phát hiện đúng thế mạnh, đặt các em vào đúng vị trí để phát huy tốt nhất kiến thức, kỹ năng. 

PV: Đổi mới cách dạy và học theo dự án với khoảng thời gian cần đầu tư tăng lên gấp ba - bốn lần, điều cả cô lẫn trò nhận được là gì?

Cô NTQP: Điều tôi vui nhất là giúp các em tự tin và có hứng thú học tập, biết cách ứng dụng kiến thức để tạo nên những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng. Thật sự mà nói, ban đầu, không phải tất cả đều hưởng ứng việc thay đổi. Có dự án đi đến 80% chặng đường rồi cô, trò nhận ra không đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, khi thấy các nhóm dự án nói được, làm được, mang về các giải thưởng, nhiều HS tìm tới tôi trình bày ý tưởng và đăng ký tham gia. Khi đó tôi rất vui vì biết cách dạy của mình đã được tin tưởng. 

PV: Trong số hơn 10 dự án được đánh giá cao thông qua các cuộc thi, đâu là dự án khiến cô và các học trò tâm đắc nhất?

Cô NTQP: Rất khó, vì mỗi dự án có một vai trò riêng nhưng điểm chung đều hướng đến cộng đồng và kích thích sự sáng tạo trong người học. Còn nhớ giai đoạn đầu, khi tôi cùng các học trò biến tấu Bảng tuần hoàn hóa học thành những trò chơi vui nhộn, hay làm Bảng tuần hoàn bằng đồ tái chế, mọi người hào hứng lắm. Những sản phẩm từ nuôi tinh thể hay chương trình đổi rác lấy cây xanh cũng được nhiều em hưởng ứng. Rồi mới đây là những sản phẩm thủ công làm từ bã mía. Không chỉ đoạt giải nhất trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, cô và trò còn bán được nhiều đơn hàng lớn, lấy tiền phát triển dự án và đóng góp cho cộng đồng. 

PV: Biến kiến thức thành sản phẩm hữu dụng là điều mà người học nào cũng mong muốn, thế nhưng quá trình này không hề đơn giản. Khi khó khăn, thất bại, cô tạo hứng thú cho HS bằng cách nào?

Cô NTQP: Không riêng gì HS mà bản thân tôi cũng nhiều lần mệt mỏi với tính cầu toàn của mình, nhưng làm việc lâu dài, hiểu ý nhau, cô trò cùng điều chỉnh. Với những HS mới, mọi việc không đơn giản là định hướng, dạy kỹ năng nghiên cứu mà bản thân giáo viên phải truyền lửa cho các em, nếu không sẽ nản chí bỏ cuộc. Mỗi khi góp ý, tôi luôn đưa ra dẫn chứng, sản phẩm của những nhóm HS đi trước để các em học tập. Giờ thì lớp trước hỗ trợ lớp sau, tôi cũng đỡ áp lực hơn. 

PV: Tôi nhận thấy cô khá chuộng việc lồng kiến thức bảo vệ môi trường vào các dự án. Cô muốn HS của mình học được gì từ đó?

Cô NTQP: Tôi muốn HS của mình làm được điều gì đó thiết thực cho cuộc sống, chứ không chỉ làm ra sản phẩm để trưng bày hay cất tủ. Hiện, chúng tôi trong quá trình hoàn tất một ứng dụng (App) bảo vệ môi trường thông qua các trò chơi vui nhộn và tôi cũng đang ấp ủ nhiều ý tưởng biến nguyên liệu bỏ đi thành vật dụng có ích để triển khai vào đầu năm tới. Từ việc gom nylon làm kệ sách, bàn, ghế đến làm chậu cây, đồ dùng học tập hay các sản phẩm lan tỏa thông điệp sống xanh, tôi muốn tự bản thân mỗi HS hình thành thói quen tốt và giới thiệu đến cộng đồng.

PV: Cảm ơn cô đã tham gia cuộc trò chuyện này!