Mang thổ cẩm vào phố

“Tagkis trong tiếng H’Mông nghĩa là sớm mai, hướng tới những điều tươi sáng”, nhà thiết kế trẻ Sa Bình, người sáng lập Hmong Tagkis đã chia sẻ về thương hiệu thời trang được tạo dựng từ nghề dệt truyền thống cùng với nỗ lực tạo việc làm ổn định cho những phụ nữ H’Mông xa xứ.

Sa Bình đang giới thiệu các sản phẩm của Hmong Tagkis.
Sa Bình đang giới thiệu các sản phẩm của Hmong Tagkis.

Mối duyên với văn hóa truyền thống

Là một trong 11 dự án vừa nhận được hỗ trợ từ cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng chuỗi giá trị” do Ủy ban Dân tộc tổ chức, dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao Australia, doanh nghiệp xã hội Hmong Tagkis hướng tới mục đích chính là đào tạo nghề may gắn liền với thiết kế sử dụng thổ cẩm cho nhóm đối tượng là phụ nữ H’Mông, hiện là lao động di cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, Hmong Tagkis phát triển gắn kết chuỗi giá trị cho các sản phẩm thêu, dệt truyền thống và xây dựng thương hiệu thời trang này dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống của người H’Mông. Với mục tiêu đó, cuối tháng 10 vừa qua, Hmong Tagkis cũng là một trong những doanh nghiệp được nhận chứng nhận và vinh danh vì mục tiêu phát triển bền vững tại Gala Én Xanh 2019.

Mối duyên với thổ cẩm truyền thống gắn liền với hành trình mưu sinh của chính người sáng lập Hmong Tagkis từ khi rời vùng quê nghèo Lai Châu tới TP Hồ Chí Minh mưu sinh. Gắn bó với nghề thiết kế thời trang được hơn 10 năm, Sa Bình chọn thiết kế thời trang ứng dụng thổ cẩm là công việc chính sau khi tốt nghiệp đại học.

Hmong Tagkis được định hình không phải là xưởng gia công, mà là một doanh nghiệp sản xuất tinh gọn, hướng tới các nhà bán lẻ, khách hàng yêu thích sản phẩm thủ công nhằm phát triển một thương hiệu thời trang gắn với các giá trị văn hóa H’Mông. Sa Bình chia sẻ: “Thời trang là lĩnh vực luôn có sự thay đổi, nếu mình không bắt kịp xu hướng thì mình sẽ lạc hậu, nhưng nếu mình không có cái độc đáo, khác lạ thì không thể tồn tại được. Công ty của Bình hướng đến những sản phẩm thời trang thổ cẩm thay vì túi, ba-lô, ví thổ cẩm như các chị em hợp tác xã khác đang làm. Do đó, sản phẩm của Bình là những bộ váy, áo, khăn, áo dài… thực hiện bằng chất liệu vải truyền thống là vải lanh, vải lanh nhuộm chàm, vải lanh vẽ sáp ong, vải lanh nhuộm mầu tự nhiên và vải lanh thêu hoa văn thổ cẩm bằng tay. Đặc biệt, các sản phẩm còn được kết hợp cả hội họa, sử dụng cả kết cườm, thêu đá và kỹ năng nghề để tạo nên chất liệu sang trọng cho sản phẩm”.

Các ý tưởng thiết kế, với sản phẩm thời trang sử dụng hoa văn, chất liệu vải lanh, vải nhuộm chàm, vẽ sáp ong… đều được Sa Bình sáng tạo dựa trên văn hóa H’Mông để tạo nên sản phẩm độc đáo, có giá trị văn hóa và thẩm mỹ. Dự kiến trong năm 2020, Hmong Takgkis sẽ thực hiện các buổi trao đổi kiến thức về trải nghiệm vẽ sáp ong, nhuộm chàm của người H’Mông tại TP Hồ Chí Minh, góp phần giới thiệu văn hóa và tạo cơ hội để cộng đồng được trải nghiệm với nghề truyền thống.

Kỳ vọng ở tương lai

Hiện nay, thị trường của Hmong Tagkis là tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Sa Pa và cả xuất khẩu tới Mỹ. Các sản phẩm họa tiết thổ cẩm của người H’Mông những năm gần đây được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Quan trọng hơn, Hmong Tagkis cũng hướng tới tạo việc làm và bảo đảm thu nhập cho những phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ H’Mông đang mưu sinh tại thành phố. Từ đó hướng đến việc trao nghề, trao quyền tự chủ cho họ.

Tuy mới triển khai nhưng hiện cửa hàng Hmong Tagkis đang tạo việc làm và bảo đảm thu nhập cho năm lao động người H’Mông tại TP Hồ Chí Minh, trong có có ba lao động nữ. Bên cạnh lao động tại chỗ, Sa Bình còn kết nối hợp tác với các nghệ nhân, hợp tác xã tại các tỉnh phía bắc để tìm nguồn nguyên liệu, kêu gọi sự tham gia của phụ nữ các địa phương để cùng lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống.

Nhà thiết kế Sa Bình kỳ vọng sản phẩm của mình sẽ như là một phương tiện quảng bá các giá trị văn hóa đến gần công chúng hơn, góp phần cùng cộng đồng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cha ông để lại. Đồng thời, lan tỏa niềm tự hào về nghề dệt truyền thống, mang đến tương lai tươi sáng cho cộng đồng đúng như tinh thần của Hmong Tagkis.