Mang Tết về nhà

Những chuyến xe mùa xuân từ TP Hồ Chí Minh đang lần lượt chuyển bánh, đưa bao người con xa nhà về đón Tết quê hương. Nổi rõ trên khuôn mặt được che bằng những lớp khẩu trang phòng dịch, có đôi mắt sáng ngời, có đôi mắt ướt đẫm khi nghĩ đến khoảnh khắc được quây quần bên gia đình sau một năm muôn vàn khó khăn. 

Tết chỉ cần được về nhà với nhiều sinh viên và người nghèo đã là niềm vui lớn.
Tết chỉ cần được về nhà với nhiều sinh viên và người nghèo đã là niềm vui lớn.

“Vậy là em không phải ăn Tết xa quê!”

Ngày nghe thông tin mình là một trong số 3.825 cá nhân được nhận chiếc vé miễn phí từ chương trình “Chuyến xe mùa xuân - Tết sum vầy” năm 2021, Hoàng Thị Thu Huyền - cô sinh viên Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh mừng rơi nước mắt. Lấy điện thoại gọi về báo tin vui, Huyền nghe mẹ khóc. Nhưng tiếng khóc này khấp khởi niềm vui, không nặng nề như mấy tháng trước, mẹ gọi báo nhà ngập sâu, heo gà chết hết do lũ tràn về.

“Năm nay em tính ở lại thành phố vì thấy ba mẹ khó khăn quá không muốn tạo thêm gánh nặng. Giá vé xe về quê em thấp nhất cũng gần 1,5 triệu đồng, trong khi gia đình bao nhiêu thứ phải lo. Đăng ký vậy thôi chứ em không nghĩ sẽ được đâu, vì năm nay nhiều người khó khăn quá. Nhưng cuối cùng em đã được về quê ăn Tết với ba mẹ rồi”, Huyền xúc động chia sẻ.

Ngồi cạnh Huyền mấy dãy ghế, Nguyễn Văn Chín - sinh viên hệ liên thông của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đang trò chuyện với các bạn đồng hương. Chín nói, đợt thiên tai vừa rồi nhà em ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị tốc mái, ba mẹ ngoài 70 tuổi lo lắng đủ bề. May mà bão lũ đi qua, tài sản hao hụt nhưng người vẫn còn đó, khỏe mạnh để đợi xuân về. Ôm chiếc ba-lô nhỏ vào lòng, Chín phấn khởi nói: “Em mới đi làm, có chút tiền sẽ về phụ ba mẹ sắm lại mấy vật dụng cần thiết trong nhà để đón Tết. Tết mà được về quê thì còn gì bằng”.

Tết là sẻ chia

Không vui như Huyền và Chín, bà Lê Thị Minh Nguyệt ngồi một góc, đôi mắt đượm buồn nhìn xa xăm. Mười năm trước, bà từ Thăng Bình vào tận Sài Gòn thuê căn trọ nhỏ xíu bên quận Tân Bình, ngày đi bán vé số, tối về nấu cơm cho hai con. Bà khoe, nhà nghèo nhưng hai con học giỏi, đều vào đại học. Con cái tốt nghiệp, chưa kịp vui, vai bà thêm oằn khi phát hiện chồng bị tiểu đường biến chứng, thận suy, chuỗi ngày ra, vào bệnh viện kéo dài đến kiệt quệ kinh tế.

“Mấy năm trời đâu có tiền về quê, hôm rồi nghe người ta nói tôi chạy đến xin vé. Tới nơi mới thấy toàn sinh viên, thầm nghĩ chắc mình không được. Nhưng may quá mấy cô chú vẫn xét cho trường hợp đặc biệt để những người như tôi có cơ hội về nhà. Con cái không khá giả, mình thì bệnh tật quanh năm, cuối năm không muốn phiền thêm con. Cảm ơn chương trình nhiều lắm”, bà Nguyệt lấy tay lau nước mắt, sửa lại chiếc khẩu trang ngay ngắn.

Với nhiều người, Tết chỉ cần được về nhà đã là niềm vui lớn. Dù gia đình có nghèo, dù mâm cỗ Tết có khi chỉ ít bánh, ít mứt nhưng cứ được về nhà là đã thấy mùa xuân. Như thấu hiểu tình cảm đó của những người con xa xứ, rất nhiều trường học, đơn vị, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình “Chuyến xe 0 đồng”, “Tấm vé nghĩa tình”… như món quà Tết dành tặng người khó khăn. Tết này, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP Hồ Chí Minh tổ chức khá nhiều chương trình xuân ý nghĩa cho người nghèo, bệnh nhi tại TP Hồ Chí Minh và hai tỉnh Bình Phước, Bến Tre. Những ngày cuối năm, nơi đây lại có thêm một hoạt động ý nghĩa dành tặng sinh viên nghèo. Anh Võ Quốc Bình, Trưởng phòng Kết nối tình nguyện thuộc Trung tâm cho biết, chương trình “Chuyến xe yêu - Tết sum vầy” năm nay đưa 28 bạn sinh viên tỉnh Ninh Thuận về quê. Ngoài việc được hỗ trợ vé xe, các bạn còn nhận phần quà với bánh chưng, bánh mứt về nhà đón xuân.

Hòa trong không khí náo nức, gần 130 sinh viên Trường đại học Sài Gòn cũng đã về nhà an toàn trên những chuyến xe đoàn viên do nhà trường tổ chức. Theo ông La Thanh Hùng, Trưởng phòng Công tác sinh viên nhà trường, ngoài việc tặng vé, hỗ trợ tiền ăn uống, nghỉ ngơi trên suốt hành trình sinh viên về quê, trường còn có quà Tết và bao lì xì cho các em.

Những chuyến xe nghĩa tình vẫn lăn bánh, đưa bao người con xa quê về với gia đình. Trên chuyến xe đó, nhiều câu chuyện vui buồn sẽ được sẻ chia. Rồi sau một giấc ngủ dài, mở mắt ra, người ta thấy rõ sắc xuân nơi quê nhà với người thân chờ đợi.