Hỏi & Đáp

Bạn đọc:

Em dự tính học văn bằng hai một ngành về tài chính, kinh tế. Mọi người nói ngành Thẩm định giá luôn cần nhân lực nhưng cũng có nhiều yêu cầu khắt khe. Xin hỏi Thời Nay về yêu cầu công việc với ngành này? (Dương Minh Phương, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Thời Nay:

Thẩm định giá là việc đánh giá hay đánh giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc theo thông lệ quốc tế. Nghề thẩm định giá được chia làm hai cấp: chuyên viên thẩm định giá và trợ lý chuyên viên thẩm định giá. Tùy theo quy mô, loại hình kinh doanh… của từng công ty mà công việc của một chuyên gia thẩm định tài sản có thể khác nhau.

Trên các trang tuyển dụng, nhiệm vụ của một chuyên gia thẩm định giá thường được xác định gồm: Trực tiếp thực hiện thẩm định giá các hợp đồng thuộc lĩnh vực: thẩm định giá bất động sản, động sản, giá trị doanh nghiệp. Lập báo cáo định giá và đề xuất kết quả định giá; chịu trách nhiệm giám sát về chất lượng của các chứng thư, báo cáo thẩm định giá. Theo dõi, quản lý hồ sơ đã được định giá; chủ trì công tác định giá lại tài sản; tham gia đề xuất, cảnh báo rủi ro trong việc định giá, quản lý đối với các nhóm tài sản theo từng thời kỳ…

Về yêu cầu, thẩm định viên ngoài khả năng về chuyên môn, am hiểu thị trường, có kiến thức về các văn bản pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, tư vấn; hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực phân tích tài chính, thẩm định giá, khả năng ngoại ngữ và tin học (các ứng dụng tin học văn phòng).

Những phẩm chất của một thẩm định viên cần có như kiên trì, cẩn thận trong việc thu thập thông tin và xử lý số liệu, có kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh... Quan trọng hơn, người thẩm định giá cần phải có tính kỷ luật, tuân thủ tiêu chuẩn thẩm định giá, chịu trách nhiệm trước pháp luật và tính trung thực cao.