Hỏi & Đáp

Bạn đọc:

Xin hỏi Thời Nay, yêu cầu tuyển chọn ứng viên nghề hộ lý làm việc tại Nhật Bản thì đòi hỏi kinh nghiệm làm việc hay chứng chỉ hành nghề không? Điều kiện nào ứng viên có thể dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về hộ lý? (Vũ Thị Vân Anh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên).

Thời Nay:

Theo thông báo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về việc tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý năm 2019, tiêu chí về việc ứng viên đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh áp dụng với đối tượng điều dưỡng viên. Ngoài ra, ứng viên điều dưỡng cũng cần có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự chín tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh). Quy định này không áp dụng với đối tượng đăng ký tuyển chọn hộ lý.

Công dân Việt Nam có nguyện vọng đăng ký tham gia chương trình tuyển chọn ứng viên hộ lý phải đáp ứng được các điều kiện sau:

- Tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (ba năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (bốn năm).

- Độ tuổi không quá 35 tuổi (ngày sinh từ 1-1-1984 trở đi), đủ điều kiện về sức khỏe do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận và có nguyện vọng được tham gia chương trình và có thể tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật.

- Ứng viên không có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo quy định, trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ tư. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn.