Học từ trải nghiệm cuộc sống

Thông qua những dự án giàu tính nhân văn do mình triển khai, gần 10 năm nay, thầy Hoàng Long Trọng (hiện là Trưởng tổ Ngữ văn Trường trung học Vinschool Central Park, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã giúp nhiều học sinh (HS) trải nghiệm thực tế, thay đổi cách học. Được ra ngoài ngắm nhìn cuộc sống, cảm nhận rõ mọi thứ chung quanh và thực hiện các sản phẩm trên nền tảng kết hợp Ngữ văn với môn học khác, HS thích thú thể hiện kỹ năng, đồng thời tích lũy nhiều kiến thức quan trọng.

Thầy Trọng luôn tìm những ý tưởng mới cho phương pháp giảng dạy của mình.
Thầy Trọng luôn tìm những ý tưởng mới cho phương pháp giảng dạy của mình.

Từ ấp ủ đầu tiên…

Năm 2012, khi từ Hà Nội chuyển vào miền nam công tác, Ths Hoàng Long Trọng bắt đầu tìm tòi về phương pháp dạy học theo dự án. Từ những mô hình thử nghiệm ban đầu, đến năm 2015, anh triển khai dạy Ngữ văn thông qua dự án mà mình tâm đắc nhất cho các em HS Trường THCS Văn Lang (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ban đầu, “Chuyện đời quanh em” chỉ là dự án để làm mới cách thể hiện văn tự sự của HS lớp 9, nhưng sau đó, thầy giáo Trọng mở rộng thêm cho HS lớp 8 của trường tham gia.

“Tôi không muốn HS của mình suốt ngày phải ngồi viết lại những đoạn văn mẫu nhàm chán, hoặc phải tưởng tượng để kể một câu chuyện đó mà các em còn mơ hồ. Tôi muốn tìm ra những cái mới giúp các em trải nghiệm thực tế, có tiếng nói riêng trong từng câu chữ. Với dự án giàu tính nhân văn này, tôi đặt đề tài để HS tìm và kể về những người khó khăn nhưng có nghị lực vươn lên, những tấm gương giản dị chung quanh mình”, anh cho hay.

Trong hơn hai tháng triển khai dự án, thầy giáo Trọng mời rất nhiều bạn bè có chuyên môn về trường hướng dẫn HS cách làm video, chụp ảnh và viết văn theo góc nhìn tích cực. Anh còn liên hệ mượn cả máy ảnh để HS đi trải nghiệm. Việc học Ngữ văn bằng dự án lúc đó còn rất mới mẻ với những HS nghèo tại Trường THCS Văn Lang nên em nào cũng háo hức. Ngày cầm trên tay bản kế hoạch của các nhóm HS, anh Trọng xúc động vì không nghĩ rằng các em lại có suy nghĩ sâu sắc đến vậy: “Có nhóm tìm về tận huyện Củ Chi để viết về một gia đình giàu nghị lực, nhóm thì chọn viết về hai bà cháu bán vé số gần trường, nhóm lại chọn nêu gương cô giáo khuyết tật không chịu đầu hàng số phận… Nhân vật nào của các em cũng mang tính thuyết phục cao, có câu chuyện đẹp và giàu tính nhân văn. Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc hơn là các em HS đã rất chủ động trong việc lên kế hoạch, làm việc nhóm vì giáo viên không thể “cầm tay chỉ việc” từng em”.

… đến chuỗi dự án tạo dấu ấn riêng

Sau thành công ngoài mong đợi của “Chuyện đời quanh em”, thầy giáo Trọng quyết định sáng tạo thêm nhiều dự án để làm mới cách dạy Ngữ văn của mình. Như lúc dạy về nghị luận xã hội, thầy Trọng đã triển khai dự án “Tiếng gọi từ biển”, đưa HS về huyện đảo Cần Giờ trải nghiệm thực tế, thu thập kiến thức và có nhiều hoạt động kết nối thú vị; giúp các em có cái nhìn thực tế, sinh động về chủ đề chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường biển.

Ở dự án “Sài Gòn trong tôi”, HS Trường trung học Vinschool Central Park được thỏa sức sáng tạo thông qua việc vẽ tranh về các công trình kiến trúc đặc trưng của thành phố, hát và sáng tác những ca khúc nói lên tình yêu thành phố và tổng kết hành trình bằng các tập tùy bút sống động. Rồi đến dự án “Hoa hướng dương”, “Có một Sài Gòn như thế”, “Quà bánh Tết ba miền”… là những nét đẹp về văn hóa, nếp sống, cách nghĩ được thầy giáo trẻ và các đồng nghiệp trong trường khéo léo lồng ghép, lan tỏa khiến HS thích thú trải nghiệm.

Không học thuộc lòng, không văn mẫu, không khuôn khổ gò bó, HS được tự do sáng tạo và kể lại những điều tốt đẹp cuộc sống theo cách của riêng mình. Cũng như nhiều học trò khác, em Phạm Minh Anh, HS lớp 6A1, Trường trung học Vinschool Central Park bị cuốn hút bởi cách dạy độc đáo, vượt ngoài sách vở của thầy Trọng, nên với em, giờ Ngữ văn từ nhàm chán trở nên hấp dẫn vô cùng: “Mỗi tiết dạy của thầy luôn mang một mầu sắc khác nhau, rất lôi cuốn. Thầy luôn tạo cảm giác thích thú bằng những trò chơi đầy cạnh tranh, những hoạt động kết nối thú vị khiến chúng em quên luôn mình đang học. Mỗi khi chúng em có thắc mắc gì là thầy đưa ra để cả lớp cùng thảo luận, đề xuất ý kiến nhằm tìm ra hướng trả lời tốt nhất. Nhờ những dự án do thầy khởi xướng mà chúng em được ra ngoài nhiều hơn, biết thêm về cuộc sống và có thêm nhiều trải nghiệm”.