Hình thành thói quen đọc sách trong giới trẻ

Là hoạt động nhằm khơi dậy niềm đam mê và hình thành thói quen, kỹ năng đọc sách cho giới trẻ, góp phần nâng cao dân trí, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, là mục đích chính của cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” vừa được phát động tại Hà Nội.

Với giới trẻ, đọc sách không chỉ tốt cho học tập mà còn cả cho cuộc sống và sự nghiệp sau này.
Với giới trẻ, đọc sách không chỉ tốt cho học tập mà còn cả cho cuộc sống và sự nghiệp sau này.

Công nghệ số ngày càng phát triển mạnh khiến giới trẻ có nhiều kênh thông tin để giải trí nên một bộ phận học sinh, sinh viên quen dần với thói quen đọc tin tức trên mạng và việc lạm dụng mạng internet khiến cho văn hóa đọc của thanh niên rơi vào tình trạng đáng báo động.

Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) cho biết, khi được hỏi dùng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách. Theo lý giải, có hai nguyên nhân chủ yếu khiến giới trẻ ít đọc sách, đó là không có thời gian (áp lực học hành căng thẳng, Facebook chiếm nhiều thời gian) và đọc sách không có sự tương tác nên dễ gây nhàm chán. Vì vậy, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” được phát động nhằm hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách trong thế hệ trẻ, yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Thông qua đây, cuộc thi nhằm bồi dưỡng và hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ Việt Nam cũng như đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập bền vững.

Ban tổ chức cho biết năm nay, cuộc thi được mở rộng hơn so với năm 2019. Đối tượng tham dự gồm học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, học viện và các loại hình giáo dục khác. Hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 nên việc phát động cuộc thi không thực hiện trực tiếp mà chủ yếu trực tuyến qua trang thông tin điện tử (website) của các thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các trường đại học, các đơn vị đồng hành với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và kéo dài đến cuối tháng 9. Để dự thi, các thí sinh có thể chọn một trong ba chủ đề về các nội dung như sáng tác một tác phẩm nhằm khích lệ mọi người đọc sách, chia sẻ về một cuốn sách yêu thích và viết tiếp lời câu chuyện... do Ban tổ chức đặt ra.

Năm 2019 là năm đầu tiên cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” được tổ chức tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội và đã thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia. Tiếp nối thành công trên và để lan tỏa tình yêu đọc sách, năm nay, trường tiếp tục phát động cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” tới tất cả các sinh viên.

Phát biểu ý kiến tại chương trình, GS, TS Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa nhấn mạnh: Văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhân cách con người. Cho đến nay đã có nhiều bài viết, nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của việc đọc đối với mỗi cá nhân và sự phát triển của xã hội. Bất cứ thời đại nào, quốc gia nào cũng coi trọng việc đọc và đọc sách chính là phương pháp tự học hiệu quả nhất. Nhiệm vụ xây dựng “xã hội học tập”, “học tập suốt đời” trong xã hội hiện đại cần phải gắn chặt với văn hóa đọc. Vì vậy, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” cũng là một trong những hoạt động triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Thư viện (Bộ VHTTDL), sách là nguồn tri thức quý giá mà nhân loại đã trao tặng. Nếu là người không có thói quen đọc sách hằng ngày thì có lẽ bạn đã bỏ qua nhiều lợi ích của việc đọc sách. Tùy theo nhu cầu công việc của mỗi người, chúng ta hãy lựa chọn cách đọc và khai thác thông tin phù hợp, không vì quá lệ thuộc công nghệ thông tin mà xa rời văn hóa đọc truyền thống. “Với giới trẻ, biết tranh thủ thời cơ của công nghệ thông tin để khai thác những nội dung mong muốn, cùng phối hợp hài hòa với đọc sách truyền thống chắc chắn sẽ mang lại cho mỗi người những phương pháp thu nạp tri thức hiệu quả, thiết thực không chỉ cho việc học tập mà còn cả cho cuộc sống và sự nghiệp sau này”.