Đừng ngó lơ khi con vào YouTube

Là cánh cửa giúp mọi người tiếp cận với nhiều điều mới mẻ, thú vị trên thế giới mạng, thế nhưng vài năm trở lại đây, YouTube trở thành môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Sự xuất hiện hàng loạt video “biến tướng” trên kênh thông tin được rất nhiều người truy cập này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy, hành vi của không ít cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ, thiếu nhi. 

Xem và chơi cùng con để trẻ không bị cuốn vào những video có nội dung xấu là lời khuyên của các chuyên gia.
Xem và chơi cùng con để trẻ không bị cuốn vào những video có nội dung xấu là lời khuyên của các chuyên gia.

Khi trẻ em là “mồi ngon”

Đang nấu bữa tối trong bếp, chị Nguyễn Thị Thùy Dung (quận 12, TP Hồ Chí Minh) hoảng hốt chạy lên nhà khi nghe tiếng la thất thanh của cậu con trai ba tuổi. Đứng trước màn hình chiếc ti-vi thông minh, chị Dung không tin vào mắt mình, tay chân run rẩy. Trên kênh YouTube mà con trai chị đang xem cái gọi là “Siêu nhân chiến đấu” lại toàn cảnh đánh, chém bạo lực. Từ đó trở đi, chị chỉ dám cho con xem ca nhạc, video học tiếng Anh và mắt luôn canh chừng vì sợ. “Rõ ràng tên truy cập và đoạn đầu là phim hoạt hình, nhưng khúc sau là những cảnh ghép khác. Không hiểu sao họ có thể dựng những hình ảnh ghê rợn như vậy rồi lồng vô được”, chị Dung hoang mang.

Việc “biến tướng” của phim hoạt hình đã không còn lạ lẫm trên thế giới mạng. Điều đáng lo là số video như vậy xuất hiện dưới hình thức ngày càng tinh vi, khó phát hiện khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Mới đây, những video toàn cảnh bạo lực do bốn nhân vật quen thuộc trong bộ phim hoạt hình được trẻ em khắp nơi yêu thích “Peppa Pig” trên YouTube đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Trước đó, nhiều trò chơi trên thế giới ảo như “Thử thách Momo”, “Thử thách cá voi xanh”… gây áp lực buộc người chơi tự làm mình bị thương, có ý nghĩ tự sát từng bị lên án. Thế nhưng, những trò chơi hay video tương tự như vậy vẫn được lồng ghép hay xuất hiện trên mạng ngày mỗi nhiều hơn.

Nghe thông tin một bé gái năm tuổi tại TP Hồ Chí Minh tử vong nghi do bắt chước một trò chơi trên YouTube, chị Hà Ngọc Nga, người sáng lập Tatuschool- Montessori Children’s House (quận 9), không giấu được sự lo lắng. Theo chị Nga, trong xã hội hiện đại, việc trẻ sớm tiếp xúc với thiết bị thông minh, mạng xã hội là khó tránh, nhưng người lớn đừng phó thác con mình cho… cái màn hình. Là chủ một trường mầm non, thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với trẻ, chị Nga băn khoăn khi có nhiều bé vì quá phụ thuộc vào iPad, điện thoại thông minh mà gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc, giao tiếp với mọi người chung quanh. “Nếu chúng ta chịu khó ngồi xem kỹ cùng con sẽ phát hiện ra trong số đó có nhiều clip mang nội dung xấu và điều này hết sức nguy hiểm”, chị Nga chia sẻ. 

Giúp con vạch ra giới hạn

Đứng ở góc độ chuyên gia, TS Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thay vì cấm đoán, các bậc phụ huynh nên sử dụng thiết bị thông minh cùng con và hướng dẫn con sử dụng sao cho phù hợp. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải đưa ra giới hạn và giờ giấc cụ thể để con được phép sử dụng thiết bị hay truy cập mạng. “Khi trẻ ở tuổi mầm non, cha mẹ cần ngồi cùng khi con sử dụng thiết bị công nghệ và truy cập mạng để lựa chọn chương trình phù hợp. Xem cùng nhau, cha mẹ sẽ hướng dẫn con chọn các chương trình tích cực, tránh các trang/video nhảm nhí hay các trò chơi vô bổ, độc hại”, bà Huyền phân tích thêm.

Khẳng định nội dung bạo lực, nguy hiểm trên thế giới mạng hiện là vấn đề đáng báo động và việc ngăn chặn triệt để những nội dung chưa phù hợp là rất khó, Ths Lê Thị Hồng Anh (Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cùng các giải pháp vẫn là sự sát sao, khéo léo của người lớn trong việc kiểm tra việc sử dụng máy tính, điện thoại của con trẻ. Chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục giúp cho trẻ hiểu được mặt trái của mạng xã hội, hướng trẻ đến các môi trường giáo dục lành mạnh, bổ ích, rèn luyện thể chất, thẩm mỹ, năng khiếu thay vì chơi và xem các trò chơi trực tuyến, các chương trình nhảm nhí. 

“Cha mẹ hãy rà soát và xem lại những chương trình mà con vẫn thường xem, chọn lọc những chương trình phù hợp, phân bổ thời lượng để con không phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại, máy tính, ti-vi. Cùng với đó là chia sẻ thẳng thắn về những nội dung xấu trên YouTube, nói cho con biết hậu quả của những hành vi đó để biết, sợ và tránh”, Ths Hồng Anh lưu ý.