Đừng đổ lỗi cho điện thoại thông minh

“Không có điện thoại nào thông minh hay ngu ngốc, tất cả đều do cách bạn sử dụng”, lời kết trong bài trò chuyện của một chuyên gia giáo dục tại buổi tọa đàm “Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học - Nên hay không?” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người tự hỏi: Liệu ta đã quá khắt khe với chiếc điện thoại thông minh không? 

Nếu biết chọn lọc, việc sử dụng điện thoại thông minh sẽ giúp học sinh thu nhận nhiều kiến thức bổ ích.
Nếu biết chọn lọc, việc sử dụng điện thoại thông minh sẽ giúp học sinh thu nhận nhiều kiến thức bổ ích.

Làm rõ các khái niệm

Vừa được ban hành chưa lâu, Thông tư 32 khiến dư luận “dậy sóng” với sự điều chỉnh trong quy định liên quan chiếc điện thoại di động, vật dụng đã quá quen thuộc với nhiều học sinh (HS). Bên cạnh sự đồng tình của những người quan tâm đến sự cải tiến chất lượng giáo dục trong thời đại mới, nhiều ý kiến vẫn cho rằng để HS sử dụng điện thoại trong tiết học sẽ “lợi bất cập hại”, dễ tạo thói quen không tốt. 

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Giáo dục chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh, vấn đề cần làm rõ là các nội dung liên quan việc sử dụng điện thoại di động của HS. Khái niệm HS sử dụng điện thoại trong giờ học khác với sử dụng điện thoại trong trường và khác với khái niệm sử dụng điện thoại hằng ngày. Ông Trọng cho rằng, Thông tư 32 với quy định khá “mở” về việc sử dụng điện thoại di động của HS là quyết định theo kịp thực tế hiện nay, giúp các thầy, cô giáo và cả các em HS có kênh chính thống sử dụng và khai thác các trang thiết bị di động trong việc dạy và học. 

Ngành GD&ĐT TP Hồ Chí Minh từ trước khi có Thông tư 32 đã không cấm việc sử dụng điện thoại hay các thiết bị công nghệ phục vụ việc dạy và học. Nhà trường và giáo viên (GV) được giao quyền cũng như trách nhiệm trong việc hướng dẫn HS sử dụng hiệu quả các thiết bị này. “Trong giờ học, nếu GV bộ môn có nhu cầu sử dụng các trang thiết bị, trong đó có điện thoại thông minh, để khai thác tiện ích phục vụ cho việc dạy - học thì hầu hết các trường đều đồng ý. Điều quan trọng là GV cần có kế hoạch sử dụng các thiết bị này từ trước và thông tin đến HS. Đồng thời phải biết khai thác, sử dụng thiết bị hợp lý để nâng cao chất lượng chuyên môn”, ông Trọng cho biết thêm.

Trước những luồng ý kiến trái chiều trong dư luận, PGS, TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật Kinh tế, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, cần hiểu đúng về khoản 4, Điều 37, Thông tư 32. Về nguyên tắc, HS vẫn không được phép sử dụng điện thoại di động vì Bộ GD&ĐT giao quyền cho phép sử dụng loại thiết bị này vào tay GV: “Nếu GV xét thấy cần thiết với chuyên môn của mình và việc cho HS sử dụng điện thoại di động trong tiết học là cần thiết, hiệu quả thì hãy chuẩn bị cho việc đó. Nhưng đây không phải là điều kiện bắt buộc GV và nhà trường phải cho các em HS sử dụng nó”.

Công cụ tham khảo và bổ trợ kiến thức

Từ kinh nghiệm thực tế của đông đảo HS tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, bà Đặng Ngọc Trâm Anh, trợ lý thanh niên nhà trường cho rằng, trước khi áp dụng, các trường cần tham khảo ý kiến HS xem các em thật sự thích hay cần sử dụng loại thiết bị này không. Khi xác định rõ sự cần thiết, việc phải làm tiếp theo là nâng cao ý thức tự thân của HS. Bà Anh nói: “Ở những buổi học tại trường hay các chương trình giao lưu, chia sẻ kiến thức khoa học, chúng tôi tùy GV có cho sử dụng điện thoại di động để đáp ứng nhu cầu dạy - học hay không; còn với những hội nghị, chuyên đề có mời diễn giả, chuyên gia, nhà trường cấm HS cầm và sử dụng điện thoại vì các em sẽ rất khó tập trung”.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu, Giám đốc điều hành Innedu STEAM cho rằng, thay vì quá lo lắng rồi cấm HS sử dụng điện thoại thông minh, điều cần làm là đưa ra giải pháp để định hướng các em. Hiện nay, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh trong tay, các em HS có thể tìm hiểu mọi thứ về thế giới. Điều đó không đáng lo, thậm chí đáng mừng, vì theo dự báo vào năm 2030, gần 50% công việc trên toàn thế giới sẽ bị robot thay thế. Việc thiếu và yếu kỹ năng công nghệ thông tin sẽ khiến người trẻ bị thiệt thòi, thậm chí bị đào thải khỏi guồng cạnh tranh khốc liệt. “Vai trò của điện thoại thông minh là giúp tra cứu thông tin, bổ sung kiến thức. Nếu biết tận dụng nó, bạn sẽ thấy điện thoại thông minh sẽ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta”, bà Quyên lý giải.