Đón Tết xưa tại sân trường

Tiết chào cờ cuối năm của học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP Hồ Chí Minh) thật khác biệt. Không khen thưởng, tổng kết hay báo cáo. Thay vào đó, các bạn trẻ say sưa ngồi giữa sân trường nắng nhẹ, nghe kể chuyện Tết xưa, tìm hiểu về mâm cỗ ngày xuân, sự tích cây nêu hay truyền thống Tết thầy theo hình thức sân khấu hóa. 

Một cảnh của chương trình sân khấu hóa Sự tích Cây nêu ngày Tết.
Một cảnh của chương trình sân khấu hóa Sự tích Cây nêu ngày Tết.

Để người trẻ hiểu thêm về ngày Tết

Tái hiện không gian Tết xưa với bàn thờ tổ tiên đủ đầy đồ cúng, trong chiếc áo dài đen, quần trắng, đi đôi guốc mộc giản dị, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang lần lượt kể cho các bạn học sinh ngồi dưới về ý nghĩa, thông điệp của mâm ngũ quả, từ bình rượu, ấm trà cho đến các loại bánh như bánh tét, bánh chưng, bánh dày, bình hoa cúc vàng... Không lý thuyết khô khan, phần thuyết minh mỗi món ngon ngày Tết gắn liền với một sự tích thú vị, dễ nhớ, dễ hiểu nhưng đủ để chuyển tải thông điệp văn hóa truyền thống. Ở bên dưới, hàng trăm ánh mắt mở to, vừa ngạc nhiên, vừa thích thú. Nhiều cô cậu học trò cho biết bản thân hay ăn thịt kho trứng, canh khổ qua, mứt gừng, mứt dừa, bánh tét, bánh chưng vào ngày Tết, nhưng đâu hiểu mỗi món lại mang một câu chuyện độc đáo đến vậy.

Ngay sau phần giới thiệu về phong tục cúng kiếng, tại không gian đậm chất xuân giữa sân trường, toàn thể học sinh được thưởng thức một chương trình sân khấu hóa về ngày Tết cổ truyền với sự tham gia của hơn 10 diễn viên chuyên nghiệp và ba nhạc sĩ đến từ Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Chương trình bắt đầu bằng cảnh người học trò cũ đến mừng thọ thầy vào ngày mồng ba Tết. Không quà cáp sang trọng, người trò mặc bộ đồ đi học ngày xưa, chân trần, bước vào kính trọng chào thầy. Cuộc gặp ngày Tết đầy xúc động ấy khép lại bằng câu nói của thầy giáo già: “Ta mừng vì có người biết giữ đạo hiền nhân”.

Cuốn hút nhất là phần tái hiện sự tích cây nêu. Lần đầu nhìn thấy cây nêu ngày Tết ngay giữa sân trường, nhiều học sinh thành phố vỗ tay liên tục. “Ôi lạ quá! Ước gì nhà mình có đất để mình rủ ba mẹ cùng làm cây nêu Tết...”.

Lan tỏa những điều hay

Chọn cách sân khấu hóa và truyền tải kiến thức bằng hình thức trực quan sinh động, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cùng các nghệ sĩ mong muốn giúp học sinh hiểu rõ cái hay, cái đẹp của Tết cổ truyền để gìn giữ, bảo tồn: “Các em còn quá trẻ để hiểu rõ về tập tục truyền thống nên phần nhiều người lớn làm sao thì cứ theo vậy. Nhưng tính nối truyền đó hiện chỉ trên cơ sở vật chất chứ rất ít bạn hiểu rõ giá trị tinh thần sâu xa. Chúng tôi tìm mọi cách tái hiện những mảng ghép trong bức khảm văn hóa ngày Tết theo cách gần gũi và vui nhộn nhất. Làm sao để các em hiểu Tết không chỉ là hưởng thụ, nghỉ ngơi vật chất mà còn là thời điểm mỗi người hòa mình vào thiên nhiên, bày tỏ giá trị đạo lý tốt đẹp”.

Tham gia biểu diễn trên sân khấu, bên cạnh các diễn viên chuyên nghiệp còn có nhiều học sinh của Trường THPT Nguyễn Du. Mặc dù chỉ phụ trách vai dân làng trong vở “Sự tích cây nêu ngày Tết”, nhưng Nguyễn Duy Khang (lớp 10A7) cảm thấy rất vui. Khang cho biết, chính việc được chọn tham gia biểu diễn đã thôi thúc em tìm hiểu kỹ hơn về sự tích cây nêu, về những phong tục thú vị của dân tộc trong dịp Tết cổ truyền.

Đây không phải là hoạt động duy nhất mà Trường THPT Nguyễn Du tổ chức cho học sinh trước thềm xuân mới. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau chương trình nghệ thuật tìm hiểu về Tết cổ truyền của dân tộc thì vào những ngày cuối tháng Chạp, các em học sinh sẽ được tham gia hội chợ Xuân yêu thương. Tại đây, các bạn trẻ sẽ tự tay vẽ thư pháp, chuẩn bị các món ngon ngày Tết phục vụ ở gian hàng ẩm thực và trình diễn văn nghệ theo chủ đề “Mừng xuân”. Số tiền thu về từ hội chợ sẽ được các bạn học sinh trích lại một phần làm quà tặng gửi đến trẻ em nghèo trên địa bàn quận 10.

Tiếp đó, thầy và trò nhà trường sẽ cùng nhau nấu 1.000 suất cơm mang đến tặng các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, kèm những lời chúc đầu năm. “Mỗi năm một chủ đề, chúng tôi luôn cố gắng đưa các em học sinh đến gần với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bởi trách nhiệm người làm công tác giáo dục là bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, phải chắt chiu nền tảng đạo đức của dân tộc”, thầy Phú cho hay.