Định hình cho đào tạo nghệ thuật

Giáo dục nghệ thuật được xem là một thành tố của giáo dục toàn diện, bao gồm đức, trí, thể, mỹ. Cảm thụ tốt về nghệ thuật sẽ góp phần giúp khơi dậy chân thiện mỹ, tính nhân bản, tiềm năng sáng tạo của người trẻ. Từ trước đến nay, việc dạy và học các môn nghệ thuật tại Việt Nam vẫn tồn tại một bất cập, đó là nhu cầu học của học sinh tỷ lệ thuận theo xu hướng gia tăng của thế giới, nhưng số lượng giáo viên lại có chiều hướng ngược lại về kỹ năng chuyên môn cũng như thiếu chuẩn hóa về chất lượng đào tạo.

Nhu cầu học tập các loại hình nghệ thuật ngày càng đa dạng từ cách dạy đến người học.
Nhu cầu học tập các loại hình nghệ thuật ngày càng đa dạng từ cách dạy đến người học.

Phiên thảo luận “Giải pháp quốc tế cho đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam” nằm trong khuôn khổ lễ ra mắt Viện Giáo dục nghệ thuật Việt Nam (VIA Education) đã thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục. TS Trương Nguyễn Ánh Nga, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay trình độ của đội ngũ làm đào tạo công tác nghệ thuật còn nhiều bất cập. Các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục - đào tạo giáo viên nghệ thuật còn chậm đổi mới. Phần lớn nội dung chương trình đào tạo giữa các cơ sở không thống nhất, chất lượng đào tạo chênh lệch rất rõ, vì vậy năng lực của các giáo viên không đồng đều.

Theo TS Nga, việc đào tạo bài bản cho đội ngũ làm công tác nghệ thuật là việc cần thiết phải đẩy mạnh. Trước đây, việc đào tạo chỉ tập trung ở các đơn vị công lập nhưng thực tế hiện nay cho thấy, cần có sự phối hợp của các đơn vị ngoài công lập để có một diện mạo mới, đáp ứng xu thế phát triển. “Trong những năm qua, nhiều người đã mải mê với việc học và làm kinh tế mà bỏ qua các ngành nghệ thuật. Lúc này, khi phần đông đều có được sự ổn định thì việc mở rộng đào tạo nghệ thuật một cách bài bản là điều rất cần thiết. Ngoài sự đóng góp của các đơn vị công lập, vai trò phối hợp của các đơn vị ngoài công lập ngày càng quan trọng, giúp cho việc đào tạo phát triển, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Từ đây, chất lượng của giáo dục không chỉ được chuẩn hóa mà khả năng làm chủ công nghệ trong việc dạy và học các môn nghệ thuật cũng sẽ được nâng cao”, bà Nga nhấn mạnh.

TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc Âm nhạc thuộc VIA Education cho biết, trước thực tế đó, VIA Education đã ra đời với mong muốn truyền cảm hứng, kiến tạo và khuyến khích phát triển các tiêu chuẩn tối ưu trong giáo dục nghệ thuật và giáo dục sáng tạo tại Việt Nam. Đây sẽ là đầu mối giới thiệu và cung cấp các chương trình đào tạo nghệ thuật quốc tế, khóa đào tạo ngắn và dài hạn, tư vấn khung chương trình đào tạo cho hệ thống các trường học. Ngoài ra, còn tổ chức các kỳ thi, hoạt động khảo thí cấp chứng chỉ quốc tế nhằm mang lại một góc nhìn toàn diện hơn cho những người làm giáo dục nghệ thuật, giúp các bạn trẻ đam mê định hình rõ hơn khi đứng trước những lựa chọn trong tương lai.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nhu cầu học tập nghệ thuật ngày càng đa dạng, từ cách dạy đến người học. Đại diện đơn vị đào tạo ngoài công lập, ông Biện Quốc Anh, nhà sáng lập Trường Âm nhạc Ánh Dương cho biết, với một số học sinh, việc học nghệ thuật không chỉ nhằm mục đích biểu diễn mà còn hướng đến mục tiêu được công nhận bởi các chứng chỉ quốc tế, làm hành trang du học. Trước đây, việc cấp chứng chỉ (nếu có) cũng chỉ ở các đơn vị đào tạo công lập, còn hiện nay, trong bối cảnh đất nước hội nhập, việc được tiếp cận các nguồn giáo trình chuẩn, chứng chỉ có giá trị quốc tế là cơ hội tốt cho những đơn vị ngoài công lập phát triển. 

Cùng với sự phát triển của công nghệ, việc tiếp cận các nguồn học liệu và chuẩn đào tạo quốc tế vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội giúp đội ngũ giáo viên nghệ thuật Việt Nam nâng tầm chuyên môn và chất lượng đào tạo. “Giáo dục nói chung hay giáo dục nghệ thuật nói riêng là con đường dài, đầy chông gai, thử thách. Việc chuẩn hóa năng lực của sinh viên nghệ thuật là hết sức quan trọng, vì những người này khi ra trường sẽ có ảnh hưởng đến những rung động cảm xúc nghệ thuật của thế hệ trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, các ngành nghệ thuật thường có tính chất “ngẫu hứng”. Nên chăng, các trường nghệ thuật cần có mối quan hệ hợp tác với các bên để nắm bắt được nhu cầu về nhân lực, sự phát triển của thị trường, từ đó có hướng đào tạo những tài năng mà ngành đó đang thiếu và sẽ cần trong tương lai”, bà Ngọc Dung phân tích.