Đầu tư cho giáo dục thông minh

Tập trung phát triển giáo dục thông minh (GDTM) là mục tiêu mà TP Hồ Chí Minh đang hướng tới nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời đại công nghệ 4.0. Không dừng lại ở việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong việc dạy và học, mô hình GDTM thành phố hướng tới là sự “lột xác” hoàn toàn từ việc truyền đạt, tiếp thu kiến thức, kiểm tra, đánh giá đến tương tác giữa học sinh (HS), phụ huynh (PH) với giáo viên (GV), nhà trường và xã hội.

TP Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục thông minh.
TP Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục thông minh.

Những kết quả bước đầu

Vài năm trở lại đây, khái niệm GDTM không còn xa lạ mà đã được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh triển khai theo nhiều cấp bậc và mang lại kết quả khả quan. Dạy học bằng robot, triển khai nhiều phần mềm tương tác dạy học hiện đại, điểm danh tự động, thu học phí, thư viện, học bạ thông minh (TM), sổ liên lạc điện tử tích hợp nhiều tính năng… là những hình thức giáo dục hiện đại được nhiều HS, PH đánh giá cao.

Thành phố đã xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại, đáp ứng hiệu quả các hoạt động dạy và học; ứng dụng CNTT và truyền thông trong dạy học và quản lý; xây dựng nguồn nhân lực cho GDTM với khả năng thích ứng, biến đổi cho phù hợp với cái mới, phát triển toàn diện các kỹ năng. “Ngành GD&ĐT thành phố cũng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng GV có năng lực sáng tạo và sử dụng tốt CNTT, tạo điều kiện để thầy, cô tham gia các dự án phát triển giáo dục của Bộ GD&ĐT và quốc tế. Bên cạnh đó, ngành cũng tích cực kết nối, hợp tác với nhiều đơn vị để mời chuyên gia, nhà khoa học từ các nước có nền giáo dục tiên tiến đến chia sẻ kinh nghiệm, giúp đội ngũ nhà giáo học tập những mô hình dạy - học, quản lý hiện đại và hiệu quả”, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Ngành GD&ĐT thành phố đang tích cực xây dựng hệ thống tài nguyên số nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả kho học liệu số, học liệu điện tử toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung, kho bài giảng e-learning… tiến tới từng bước hình thành Trung tâm điều hành GDTM. Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến bộ Quốc tế, muốn làm được điều này thành phố cần đầu tư thêm thiết bị, hạ tầng cùng những giải pháp CNTT, truyền thông để thay đổi mô hình giáo dục hiện nay. Các phần mềm ứng dụng tại Sở GD&ĐT phải được bổ sung giải pháp chia sẻ để hình thành một cơ sở dữ liệu tích hợp, tập trung thay vì chiết xuất thủ công như thời gian qua.

Phải xây dựng mô hình GDTM toàn diện

Theo các chuyên gia giáo dục, một trung tâm điều hành thông minh thì chưa đủ, mà TP Hồ Chí Minh cần có các giải pháp đồng bộ để thông minh hóa từ cơ sở. Mô hình hiện đại này cần được trải rộng chứ không chỉ tập trung ở vài trường thí điểm như hiện nay. TS Nguyễn Thị Huyền (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cải tiến phương pháp dạy và học đại học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh) cho rằng, con người luôn là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bại của hệ thống GDTM: “Phải làm sao để có được sự sẵn sàng của tất cả các bên liên quan khi chúng ta chuyển đổi theo nền GDTM. Chúng ta cần nhiều giải pháp khác nhau để hỗ trợ từng nhóm đối tượng cụ thể. Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy cần lưu ý không bao giờ cho phép công nghệ dẫn dắt nền giáo dục, mà hãy biến nó thành điều kiện hỗ trợ tốt nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Theo bà Nguyễn Phương Lan, Tổng Giám đốc Tập đoàn Giáo dục EMG, mô hình GDTM chỉ thành công khi bản thân HS, GV nắm rõ các khái niệm liên quan. Những khái niệm mới nghe qua tưởng chừng khô khan, khó hiểu nhưng nếu có cách tiếp cận phù hợp HS sẽ hiểu rõ và ứng dụng tốt. Khi đó, việc học tập mô hình thông minh từ các nền giáo dục tiên tiến không còn quá mơ hồ.

“Trong giáo dục phổ thông, nhà trường cần chia sẻ với HS về những giá trị cũng như ý nghĩa của hai khái niệm lớn nhất bây giờ là dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI). HS từ lớp 1 cần phải biết về vai trò, công năng cũng như ứng dụng của AI và big data một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cần phải thống nhất khuôn khổ sáng tạo của AI trong nhà trường để người dạy và người học có cách ứng dụng phù hợp. Vấn đề nữa là lập trình (coding). Việc ứng dụng và học hỏi coding có thể ở mức đơn giản, nhưng nó sẽ trực tiếp phục vụ hệ sinh thái thông minh”, bà Lan nhấn mạnh.