Có nên quản lý lớp học bằng camera?

Nhiều người làm công tác giáo dục cho rằng, vấn đề mấu chốt vẫn là đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, cách xử lý tình huống và phương pháp giáo dục đúng mực cho giáo viên (GV), chứ không phải cứ đụng chuyện là cho rằng phải lắp camera quan sát. Vì nếu GV đã có hành động phản sư phạm với trẻ thì bao nhiêu camera cũng không đủ để bảo vệ các con.

Theo nhiều chuyên gia, việc lắp camera trong trường học cần được tính toán kỹ lưỡng để giáo viên không quá áp lực mà trẻ vẫn được an toàn.
Theo nhiều chuyên gia, việc lắp camera trong trường học cần được tính toán kỹ lưỡng để giáo viên không quá áp lực mà trẻ vẫn được an toàn.

Phụ huynh muốn lắp camera trong lớp

Những ngày gần đây, dư luận bức xúc việc cô H (GV Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) có hành vi phản sư phạm khi liên tục la mắng, véo tai và đánh đập nhiều học sinh (HS) trong lớp. Tất cả những hành vi thiếu kiềm chế đó của cô H được ghi lại bởi chiếc camera được đặt bí mật nơi góc lớp. Cô H nhận lỗi và hứa sẽ chấp nhận mọi hình thức kỷ luật của ngành. Thế nhưng, câu hỏi được nhiều người đặt ra sau vụ việc gây bức xúc này là liệu có nên lắp camera trong lớp học để giám sát hành vi của GV?

Lắp camera trong lớp học không phải là vấn đề mới, nhưng sau mỗi vụ bạo hành trẻ, yêu cầu này lại quay trở lại. Chị Lê Hoài Chi (quận 6, TP Hồ Chí Minh), phụ huynh có con đang học lớp 2 lo lắng: “Nếu không có camera quay lại thì chẳng biết các con phải chịu đòn roi đến bao giờ? Xem mà xót quá. Tôi mong có camera trong lớp để ai cũng có thể giám sát vấn đề này”.

Theo kết quả khảo sát của Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh vào năm 2018, có tới 88% số phụ huynh mong muốn nhà trường lắp camera để giám sát GV. Các bậc cha mẹ cho rằng, việc các lớp học có camera sẽ giúp GV kiềm chế bản thân, có những hành vi đúng mực với HS. Trước hàng loạt vụ bạo hành trẻ mầm non bị phát hiện gây rúng động dư luận, từ năm học 2018 - 2019, TP Hồ Chí Minh đã thí điểm lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục mầm non ở ba địa phương là quận 1, quận 12 và huyện Hóc Môn với mong muốn tăng kênh giám sát, cải thiện tình hình. Năm học này, ngành GD&ĐT thành phố cho biết sẽ mở rộng ra các quận, huyện còn lại.

Sử dụng sao cho đúng?

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, với những trường học có điều kiện thì việc lắp camera là điều cần thiết để phụ huynh, nhà trường và GV cùng tạo ra môi trường giáo dục phù hợp nhất với con trẻ. Thế nhưng, không thể làm theo kiểu mạnh ai nấy gắn được mà nên có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh. Điều quan trọng là việc gắn camera không gây ảnh hưởng quyền tự do cá nhân khi trẻ đến trường và việc sinh hoạt của các em HS.

Trong khi đó, là người làm công tác quản lý và từng giải quyết khá nhiều tình huống “dở khóc dở cười” do phụ huynh can thiệp quá sâu quá trình giảng dạy của GV khi giám sát qua camera, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan cho rằng, cần tính toán để thiết bị này được sử dụng đúng chức năng. Việc lắp camera chỉ có ý nghĩa khi các bên thật sự rõ ràng về mục đích và cơ chế sử dụng hình ảnh từ nó. “Nếu mục đích là vì sự an toàn nói chung của trẻ thì camera nên được lắp ở sân chơi, sân thể thao, trước cửa ngoài nhà vệ sinh, trước lối ra vào chính ở trường, những góc khuất trong trường học vì đó là những nơi tiềm ẩn sự cố không an toàn. Với những mục tiêu đó, việc lắp camera là hữu dụng. Tuy nhiên, việc lắp camera để giám sát GV trong lớp lại là một ý tưởng trái với bản chất của hoạt động sư phạm trong nhà trường. Nó thể hiện sự thiếu niềm tin vào GV. Hình ảnh camera có khi vẫn không phản ánh hết điều gì đang thật sự diễn ra trong lớp học, nên chúng ta có thể phạm sai lầm trong đánh giá những biểu hiện của GV”, TS Nguyễn Thị Thu Huyền lý giải.

Camera là phương tiện cần thiết nhưng theo nhiều chuyên gia giáo dục, nó không nên là công cụ để quản lý và giám sát GV. Việc lạm dụng camera có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến việc phát triển môi trường giáo dục. Khi quá áp lực với các thiết bị giám sát, GV khó lòng tạo ra tiết học hay. Mấu chốt của vấn đề vẫn là làm sao cải thiện chất lượng GV mỗi ngày để các thầy, cô biết đâu là điểm dừng trong việc giáo dục HS. Khi GV được đào tạo đúng chuẩn, bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn thường xuyên, họ sẽ có cách điều phối lớp học thật tốt.