“Có một Sài Gòn như thế”

Một Sài Gòn bình dị với những góc nhỏ thân quen mà nếu mãi cuốn theo nhịp đời hối hả người ta dễ bỏ qua. Cũng là một Sài Gòn tử tế từ những điều nhỏ nhất như câu nhắc “Chị gì ơi, gạt chân chống xe kìa” hay những quán cơm 2.000 đồng, những tủ thuốc từ thiện, tiệm quần áo 0 đồng, thùng trà đá, bánh mì miễn phí… để ai cần thì lấy, ai có thì tặng. Tất cả, hội tụ trong một Sài Gòn với rất nhiều điều quen mà lạ và cả những trải nghiệm chưa từng có của các em học sinh khối 8 Trường trung học Vinschool Central Park (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) khi được tham gia học Ngữ văn qua dự án.

Các bạn học sinh cùng những món quà dành tặng trẻ em khó khăn khi tham gia dự án.
Các bạn học sinh cùng những món quà dành tặng trẻ em khó khăn khi tham gia dự án.

Sài Gòn đẹp lắm!

“Thỉnh thoảng đang chạy xe trên đường tôi lại bắt gặp một vài quán cơm tuy nhỏ nhưng tấp nập người ra vào. Bên ngoài có hàng chữ “Quán cơm 2.000” hay “Quán cơm từ thiện, miễn phí”. Hoặc có lúc tôi lại thấy một cái thùng đựng đầy những ổ bánh mì thơm phức như mới nướng xong, trong đó có hàng chữ: “Nếu bạn đang đói thì cứ lấy mà ăn, không cần trả tiền, hoàn toàn miễn phí”. Thoáng qua thôi mà tôi cũng cảm nhận được sự ấm áp của lòng người. Người Sài Gòn không hề phô trương mà họ chỉ coi đó là một điều hiển nhiên, một thói quen hằng ngày…”, là trích đoạn chia sẻ của Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 8A5 trong bài tản văn được đăng trên fanpage dự án “Có một Sài Gòn như thế”. Không riêng gì Hà mà rất nhiều học sinh đã khiến ba mẹ, thầy, cô giáo bất ngờ với góc nhìn mới, đậm tính nhân văn về Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, điều mà ít ai nghĩ một đứa trẻ có cuộc sống sung túc sẽ quan tâm.

Khi bắt tay vào dự án môn Ngữ văn năm nay, Quách Thùy Nam Phương, lớp 8A2 được trải nghiệm nhiều điều mà trước nay vô tình em đã lướt qua. Đó là bao việc tốt mà người Sài Gòn dành cho nhau trong hối hả cuộc đời. Để rồi ta bắt gặp trong bài chia sẻ của em những dòng chất chứa yêu thương: “Người Sài Gòn tánh kỳ lắm, lo chuyện bao đồng không à! Cứ đi khoảng mấy mét là thấy bình nước miễn phí. Đôi khi còn có cái bảng chỉ đường thân thương làm sao!”. Quách Thùy Nam Phương cho biết, nhờ tham gia dự án môn Ngữ văn mà em được ra ngoài nhiều hơn, trải nghiệm và biết thêm rất nhiều thứ và hay nhất là được cảm nhận cuộc sống theo cách rất thật, rất riêng.

Học và lan tỏa

“Có một Sài Gòn như thế” là chủ đề dự án mà các giáo viên Ngữ văn khối lớp 8, Trường trung học Vinschool Central Park tạo ra để tạo thêm hứng thú học tập cho học sinh. Thầy Phạm Quang Mỹ, một trong những giáo viên tham gia thiết kế dự án cho hay: “Từ mạch nguồn cảm xúc qua những quyển sách viết về Sài Gòn, chúng tôi muốn học sinh mình không chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết trong chương trình mà còn biết cảm nhận bằng trải nghiệm thông qua những hoạt động thiện nguyện, gây quỹ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Điều này còn giúp các em xây dựng những hoạt động thể hiện sự tử tế, nét đẹp văn minh, nghĩa tình của người dân Sài Gòn”.

Được biết, dự án kéo dài trong suốt năm học 2019 - 2020 với từng giai đoạn cụ thể. Hiện nay, các em học sinh đang trong giai đoạn giới thiệu những bài viết, phóng sự ảnh hay video phóng sự do mình thực hiện trên mạng xã hội để lan tỏa điều tử tế. Trước đó, các nhóm đã có buổi báo cáo về ý tưởng, sản phẩm và chuẩn bị những món quà ý nghĩa dành tặng trẻ em khó khăn tại các mái ấm khi dự án kết thúc. Quà các em mang đến là những bộ quần áo ấm hay những món đồ chơi, những cuốn sách hay và cả những tấm thiệp chi chít lời chúc để lan tỏa những điều tử tế trong cuộc sống, theo cách rất riêng của… người Sài Gòn.

Qua nửa hành trình tham gia dự án, như bạn bè trong lớp, điều mà Huỳnh Ngọc Khánh Như (học sinh lớp 8B5) cảm nhận được chính là những thay đổi rất đáng ngạc nhiên của bản thân. Như quan tâm hơn đến mọi thứ chung quanh, thấy yêu những điều bình dị, giản đơn. “Tụi em đang mong đến ngày được mang những câu chuyện mình kể, những hình ảnh mình chụp cùng những món quà bé xinh đến thăm các em nhỏ khó khăn. Cách học văn thông qua dự án như thế này thật sự rất thú vị. Nó giúp chúng em ra ngoài nhiều hơn, tăng trải nghiệm để ghi nhận cảm xúc thật thay vì chỉ nghe rồi chép, bởi việc học như vậy sẽ chủ động và hấp dẫn hơn nhiều”, Như vui vẻ nói.