Chuyến xe sum vầy

Khi những khóm mai bắt đầu khoe sắc, 2.500 sinh viên (SV) nghèo tại TP Hồ Chí Minh hân hoan bước lên chuyến xe mùa xuân để về đoàn viên bên gia đình. Cầm trên tay tấm vé nghĩa tình và những món quà sẻ chia, nước mắt hạnh phúc nhiều bạn trẻ đã rơi. Họ ấm lòng vì được quan tâm, vì sắp được nhìn thấy ánh mắt rạng ngời của mẹ, cha sau chặng đường dài.

Chuyến xe sum vầy

Đường về nhà hết xa

Ngày cầm trên tay chiếc vé của chương trình “Chuyến xe mùa xuân - Tết sum vầy” năm 2020, Hoàng Ngọc Hải, SV Trường ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh xúc động đến nghẹn ngào. Gia đình nghèo, việc học còn chật vật nên năm nay Hải đã tính đến chuyện ở lại thành phố đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Nhưng mấy tuần gần đây, cứ nghe bạn bè hỏi thăm nhau “Khi nào về quê?”, Hải lại thấy lòng nặng trĩu. “Những lúc như vậy em tủi thân lắm. May mà em biết đến chương trình qua mạng xã hội, đăng ký và được hỗ trợ. Vậy là em sắp được về Quảng Bình đón Tết với cả nhà rồi!”, Hải nói gương mặt lấp lánh niềm vui.

Không phải lần đầu như Hải nhưng khi hay tin được chọn trở về nhà trên chuyến xe đặc biệt năm nay, Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SV năm ba, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cũng vui đến mất ngủ. Hạnh khoe đây là năm thứ hai em được tặng vé xe về Quảng Nam ăn Tết với ba mẹ. “Cả nhà em ngoài quê hay tin em được tặng vé miễn phí, ai cũng mừng. Không mua vé, em có khoản để dành mua sách vở, góp đóng học phí sang năm. Như vậy, ba mẹ sẽ bớt gánh lo”.

Dang rộng vòng tay

Bên cạnh việc hỗ trợ SV khó khăn tại các tỉnh từ Ninh Thuận đến Thanh Hóa về quê đón Tết, mỗi năm, chương trình “Chuyến xe mùa xuân” đều dành tặng một số vé nhất định cho những trường hợp đặc biệt. Đó có thể là nữ công nhân vì nghèo quá mà mấy năm trời phải cùng con đón Tết xa quê, hay chú thợ điện, cô bán vé số… những người phải chật vật kiếm tiền lo kế sinh nhai mỗi ngày. Nhiều người trong họ dù nhớ quê quay quắt nhưng việc gom tiền trở về là điều gì đó quá xa xỉ. Chương trình biến giấc mơ của họ thành hiện thực để khi xe lăn bánh, những nụ cười rạng ngời đã nở trên môi.

Di chuyển thật nhanh với cây nạng gỗ, trên vai còn đeo chiếc túi đi bán vé số tối qua, ông Nguyễn Tấn Tài (54 tuổi, quê ở tỉnh Phú Yên) khấp khởi vì được về quê ăn Tết với gia đình. Nheo mắt cười mặc những vết chân chim in hằn làn da rám nắng, ông Tài nói dù đã đặt chân lên xe, ngồi trên ghế vẫn chưa tin mọi thứ là sự thật. “Tôi mừng lắm. Sáng giờ cứ cười hoài. Cảm ơn chương trình nhiều lắm!”.

Không chỉ người nhận vé phấn khởi mà những người thực hiện chương trình cũng vui lây. Ba năm liên tiếp đồng hành cùng “Chuyến xe mùa xuân”, anh Lý Bửu Long (tài xế Công ty Hải Vân) vẫn nguyên niềm xúc động như ngày đầu. Lên xe, anh cẩn thận kiểm tra số khách, hỏi han kỹ xem ai có quên gì không và rồi dặn dò, chúc Tết mọi người. “Thấy mấy bạn vui mình cũng hạnh phúc, ấm áp trong lòng. Chạy xe bao nhiêu năm nhưng đi những chuyến xe như vậy thấy ý nghĩa hơn rất nhiều. Mình chỉ mong thành phố sẽ có nhiều chuyến xe như vậy để người nghèo các nơi đều được hỗ trợ về quê đón Tết. Các chuyến xe ngày cuối năm tuy đường đông, hơi cực nhưng đi nhiều mình vẫn vui”, anh Long chia sẻ trước giờ xuất hành.

Được Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh (SAC) khởi xướng từ năm 2007, đến nay chương trình “Chuyến xe mùa xuân” đã tặng vé miễn phí cho hơn 52.100 SV khó khăn dịp cận Tết. Ông Lê Xuân Dũng, Giám đốc SAC cho biết, năm nay chương trình được khởi động từ rất sớm để huy động nguồn lực xã hội và chọn lựa những hoàn cảnh phù hợp nhất. “Với các bạn SV được tặng vé về quê, chúng tôi sắp xếp, tạo điều kiện tốt nhất với mong muốn các bạn có mùa xuân ấm áp bên gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi còn dành 2.000 phần quà Tết và bao lì xì để gửi tặng các bạn SV trong chương trình “Họp mặt SV đón Tết xa nhà” năm nay. Mong rằng với sự đồng hành của chương trình các bạn SV khó khăn sẽ thấy ấm lòng”.

Những chiếc xe chở theo bao giấc mơ xuân trong nắng ấm phương nam đã lăn bánh về các tỉnh miền trung ngày giáp Tết. Mai đây, những người con xa quê lại ấm êm trong vòng tay gia đình, người thân, lại rộn ràng với nhạc xuân, câu chúc, tạm gác lại lo âu, gánh nặng thường ngày.